Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Vấn đề y đức trong nghiên cứu tế bào mầm

BS Nguyễn Văn Tuấn


Trịnh Công Sơn có viết một câu nhạc rất thơ mà cũng rất triết lí nhà Phật, “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, như để nhắc nhở sự mong manh, tính phi vĩnh cửu của một đời người. Nhưng lời nhạc và ý nghĩa của nó còn gián tiếp (hay chủ ý?) ví von một chân lí khoa học về sự cấu trúc cơ bản của cơ thể con người. Quả vậy, theo thuyết của sinh học phân tử (molecular biology), đơn vị cơ bản nhất của một sinh vật nói chung, hay con người nói riêng là tế bào (cells). Trong cơ thể con người được cấu tạo bằng hàng tỷ tỷ tế bào. Mỗi con người chúng ta được hình thành bắt đầu từ chỉ một tế bào. Tế bào này cứ phân chia liên tục và sản sinh ra nhiều tế bào mới để cấu tạo thành một con người “trưởng thành”.

Trong giai đoạn sớm của nền y học, kể cả cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, việc chữa trị bệnh hầu như chỉ tập trung vào chữa trị ở cấp “vĩ mô”, tức là các phương thức trị bệnh chủ yếu dựa trên cơ chế bệnh sinh và bệnh nguyên. Trừ nhóm bệnh nhiễm khuẩn là điều trị tương đối có kết quả, còn lại hầu như chỉ giải quyết được tức thời giảm triệu chứng, hoặc kéo dài sự chịu đựng của cơ thể mà không thể tiệt căn. Ngay cả những bệnh nhiễm trùng thì chữa khỏi, thế nhưng những biến chứng hay di chứng của bệnh để lại lại là một chuyện nan giải cho cả bệnh nhân và thầy thuốc, điển hình như biến chứng thần kinh, hoặc các biến chứng tim của bệnh Thấp (Rheumatic fever). Các điều trị nếu có thể hoặc bảo tồn hoặc thay thế nhưng hầu như không thể nào gọi là chữa khỏi được. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy hầu hết các thuật chữa trị hiện nay chỉ đem lại hiệu quả cho khoảng 60 phần trăm bệnh nhân, và trong nhiều trường hợp bệnh nhân lại chịu phản ứng phụ có hại cho sức khoẻ. Trong nhiều thập niên gần đây, nghiên cứu y khoa đã bắt đầu chuyển sang một phương hướng mới: đi tìm thuật chữa trị mới sao cho có thể ứng dụng cho từng cá nhân bệnh nhân. Đó cũng là nhờ tiến bộ của ngành sinh học phân tử, nghiên cứu về tế bào và cấu trúc di truyền của tế bào [1].

Dưới giác độ di truyền của tế bào, gien có chức năng gửi các tín hiệu hóa học đi đến tất cả các nơi trong cơ thể. Những tín hiệu này có chứa đầy đủ các thông tin, các chỉ thị cụ thể cho các cơ quan trong cơ thể ta phải hoạt động ra sao. Nếu những gien trong cơ thể hoạt động “bình thường”, và sản phẩm hay tín hiệu của gien được chuyển giao một cách thích hợp thì cơ thể con người không có vấn đề; nhưng nếu trong quá trình hoạt động của gien có sự cố thì hậu quả là cơ thể sẽ mất thăng bằng và dẫn đến bệnh tật cho con người.
Do đó, có thể nói một cách vắn tắt rằng đa số các bệnh tật, dù là thể xác hay tinh thần, đều gần như có thể bắt nguồn từ những trục trặc của tế bào, hoặc gien. Nhưng hầu như tất cả các thuật chữa trị bệnh tật hiện nay lại có tính cách gián tiếp, và ước chừng. Giải phẫu, hay dùng dược phẩm đều chỉ là những phương pháp trợ tiếp, cầm chừng, và chỉ tấn công bề ngoài của căn bệnh, chứ chưa tiến sâu vào cơ chế hoạt động của tế bào. Ngoài ra, tất cả các thuật chữa trị này đều dựa vào số đông chứ không dựa vào cá nhân. Chẳng hạn như thuốc Alendronate, thử nghiệm cho thấy có hiệu quả cho số đông của một nhóm bệnh nhân, và kết quả này được khái quát hóa cho hàng loạt bệnh nhân khác.

Vì tế bào là đơn vị cơ bản nhất của con người, và mỗi con người là một cá thể độc đáo (trên phương diện sinh học, không ai giống ai), nên việc chữa trị bệnh tật bằng cách thay thế các tế bào bị hỏng bằng các tế bào lành mạnh là một phương pháp đang được giới khoa học chú ý nhiều nhất hiện nay. Ngoài ra, việc thay thế những gien bị đột biến tai hại bằng những gien tốt cũng là một phương hướng chữa trị đang được ứng dụng cho một số bệnh. Chữa trị bằng tế bào (Cell therapy) hay bằng gien (Gene therapy), nếu không là một hy vọng sau cùng, thì cũng là một phát triển quan trọng nhất trong hành trình chinh phục bệnh tật của con người.

Các tế bào và gien cũng biến chuyển theo quá trình trưởng thành và lão hóa của một con người. Một số bệnh như Parkinson, bệnh mất trí (Alzheimer), tiểu đường, v.v... thường tấn công vào người có tuổi, và cơ chế chính là do mất tế bào chuyên biệt, hay do tế bào bị hư hỏng. Một cách thay thế các tế bào bị hư hỏng hay đã mất này là bằng cách “trồng” hay “gầy giống” các tế bào mầm, mà tiếng Anh thường đề cập đến là stem cells.


Nguồn và loại tế bào mầm


Tế bào mầm, nói một cách ngắn gọn, là những tế bào có khả năng phân chia (differentiate) trong những chu kỳ không nhất định trong nuôi cấy và cho ra những tế bào chuyên dụng hoá (specialized cells). Để hiểu rõ nguồn gốc, công dụng, và ý nghĩa đạo đức của tế bào mầm, có lẽ cần phải điểm qua quá trình hình thành của một bào thai và những thuật ngữ dính dáng đến các tế bào.

• Sự phát triển của con người khởi đầu bằng chỉ một tế bào. Khi một tinh trùng thụ tinh với một trứng và tạo ra một tế bào đơn (zygote), và tế bào đơn này có tiềm năng hình thành nên một cơ thể sống hoàn chỉnh. Trứng được thụ tinh này gọi là tế bào toàn năng (totipotent cells). Như tên gọi, tế bào toàn năng ám chỉ tiềm năng của nó là toàn bộ, có thể phân chia thành bất cứ tế bào nào. 

• Vài giờ đầu sau khi thụ tinh, tế bào này phân chia thành những tế bào toàn năng đồng nhất như nhau. Điều này có nghĩa là một trong bất kỳ các tế bào nào trong những tế bào này, nếu đem đưa vào buồng tử cung của phụ nữ, đều có khả năng phát triển thành một bào thai. Trong thực tế, trường hợp sinh đôi đồng dạng xảy ra khi hai tế bào toàn năng tách ra và phát triển thành hai cá thể, thành hai con người giống nhau về cấu trúc di truyền. 

• Khoảng 4 ngày sau khi thụ tinh, và sau một vài chu kỳ phân chia của tế bào, các tế bào toàn năng này bắt đầu chuyên dụng hoá, hình thành một quả cầu rỗng do các tế bào xếp quanh, được gọi là túi phôi (blastocyst). Bên ngoài túi phôi là lớp tế bào; bên trong là một khối kết cụm các tế bào gọi là khối nội bào (inner cell mass). Lớp các tế bào bên ngoài sẽ hình thành rau thai và các mô hỗ trợ cần thiết cho quá trình phát triển của một bào thai (fetus) trong tử cung. Các tế bào trong khối nội mạc có thể chuyển hóa thành mọi loại tế bào làm nền tảng của cơ thể, và sẽ phát triển thành một cơ thể người. Tự nó, các tế bào nội mạc không thể hình thành nên một cơ thể sống được, vì nó không có rau thai cũng như các mô hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của thai trong tử cung như nêu trên. Các tế bào khối nội mạc này được gọi là các tế bào đa năng (pluripotent cells), vì khả năng của chúng có thể hình thành nên nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể trừ tất cả các loại tế bào cần thiết cho phát triển bào thai.


Do đó, tế bào toàn năng rất khác với tế bào đa năng. Tiềm năng phát triển của các tế bào đa năng không hoàn toàn, nhưng tiềm của tế bào toàn năng thì có thể vô tận. Tế bào đa năng không phải là phôi (embryo). Trong thực tế, nếu một tế bào khối nội mạc được cấy vào trong lòng tử cung phụ nữ, thì hẳn là nó sẽ không thể nào phát triển thành một bào thai được. Các tế bào mầm đa năng này tiếp tục chuyên dụng hoá thành các tế bào mầm chịu trách nhiệm tạo nên các tế bào có những chức năng đặc biệt. Chẳng hạn như tế bào mầm tạo huyết sẽ sản sinh ra hồng huyết cầu, bạch cầu, tiểu cầu; và các tế bào mầm da sẽ tạo nên các loại da khác nhau. Các tế bào mầm được chuyên dụng hoá hơn này gọi là các tế bào bội năng (multipotent).

Trong khi các tế bào mầm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của một con người trong giai đoạn “trứng nước”, thì các tế bào bội năng này cũng được tìm thấy trong cơ thể trẻ em và người trưởng thành. Trong các tế bào mầm được nghiên cứu nhiều nhất hiện nay là tế bào mầm dòng tạo huyết. Các tế bào mầm tạo huyết hiện diện trong tuỷ xương của mỗi cơ thể trẻ em và người lớn, và thực tế, có thể hiện diện với số lượng rất nhỏ trong dòng máu tuần hoàn. Các tế bào mầm tạo huyết này đóng một vai trò then chốt của việc hình thành hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong suốt cuộc đời. Con người không thể sống được nếu không có tế bào mầm tạo huyết.


Tế bào mầm đa năng có thể chiết ra từ hai nguồn chính:



• Nguồn 1. Phân lập trực tiếp từ khối nội bào của phôi ở giai đoạn túi phôi, do đó nó còn được gọi là embryonic stem cells (còn viết tắt là ES, tạm dịch là “tế bào mầm phôi”). Trong khi các tế bào mầm phôi của chuột đã được dùng trong thử nghiệm khoảng hai mươi năm qua, việc nghiên cứu các phôi tế bào mầm trong con người chỉ mới khởi đầu từ năm 1998, qua phát hiện quan trọng của hai nhóm nghiên cứu bên Mỹ [3]. Hiện nay, các tế bào mầm phôi thường được lấy từ các túi phôi do những cặp vợ chồng tham gia vào chương trình thụ thai nhân tạo (IUF) (đồng ý và cho phép).

• Nguồn 2. Có thể phân lập được tế bào mầm đa năng từ mô của bào thai trong những phụ nữ mang thai có chỉ định đình chỉ thai nghén (terminated pregnancy). Đây là nghiên cứu của Tiến sĩ Gearhart, bằng cách lấy ra các tế bào tại một vùng nào đó của bào thai (đã có chỉ định đình chỉ thai nghén) sau đó cho vào cấy trong tinh hoàn hay buồng trứng, và cũng tạo được các tế bào mầm đa năng giống như cách trên.

Ngoài hai nguồn chính, một đề xuất khác mà có thể cho là một nguồn thứ ba có thể phân lập được tế bào mầm đa năng là chuyển nhân của tế bào cơ thể (somatic cell nuclear transfer, hay còn gọi là SCNT). Trong nghiên cứu trên động vật sử dụng phương thức chuyển nhân tế bào cơ thể, các nhà nghiên cứu đã dùng một tế bào trứng của một động vật bình thường, tách nhân ra [loại bỏ cấu trúc di truyền], chỉ giữ lại chất dinh dưỡng và các chất khác có khả năng sản sinh năng lượng cần thiết cho phôi phát triển, rồi trong môi trường phòng thí nghiệm rất cẩn tắc, người ta dùng một tế bào cơ thể hay bất kỳ một loại tế bào nào khác (không dùng trứng hoặc tinh trùng), đặt cạnh tế bào trứng vừa tách nhân đó, và chúng hợp nhất. Tế bào hợp nhất này lập tức phân chia, và được cho rằng có khả năng hoàn toàn phát triển thành con vật hoàn chỉnh, và vì vậy mà tế bào đó là tế bào toàn năng. Như vậy về mặt lí thuyết là từ đây ta có thể chiết xuất được tế bào mầm đa năng. (Con cừu nổi tiếng “Dolly” được sản sinh bằng phương pháp SCNT).
Tóm lại tế bào mầm đa năng, dù dưới hình thức nào thì cũng được chiết xuất từ các tế bào dạng phôi nhưng tiền thai (pre-fetal).
Trong khi đó thì tế bào mầm bội năng cũng có thể chiết xuất từ hai nguồn:

• Có thể lấy từ máu dây rốn (unbilical cord blood) của trẻ lúc mới sinh. Các tế bào từ rốn có thể dự trữ và dùng cho các mục đích ghép.

• Ngoài ra, con người (trẻ em, người lớn) cũng có thể là nguồn cung cấp tế bào mầm cho nghiên cứu. Tuy nhiên tế bào bội năng không phải hiện diện ở tất cả các loại mô của cơ thể ở người lớn. Trong thực nghiệm người ta có thể phân lập được tế bào mầm bội năng từ các tế bào nơ-ron (neurone) thần kinh ở chuột. Nghiên cứu thực nghiệm trên người còn hạn chế, tuy nhiên cũng đã phân lập được có lẽ là tế bào mầm của nơ-ron thần kinh từ mô nãøo người lớn trong quá trình phẫu thuật thần kinh.
Tóm lại, các tế bào mầm bội năng hoàn toàn chiết xuất từ cơ thể hoàn chỉnh, sau sinh.


Ứng dụng của tế bào mầm đa năng


Một trong những lí do quan trọng thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng của tế bào mầm đa năng là từ loại tế bào mầm này mà các nhà khoa học có thể hiểu hết được cơ chế và bản chất của những chuỗi biến đổi phức tạp xảy ra trong quá trình phát triển của một cơ thể con người. Mục đích cơ bản là nhận dạng được các yếu tố đóng vai trò quyết định hướng và chuyên biệt hoá chức năng của tế bào. Các nhà khoa học có thể biết được vai trò của gien, song chưa ai biết đích thị gien nào là gien “đưa ra quyết định” và cơ chế hoạt động của nó như thế nào. Và qua nghiên cứu, theo dõi phát triển của tế bào mầm từ cấp độ nhân tế bào lên các nhà khoa học có thể nắm được cơ chế bệnh lí, như suy cơ tim của bệnh nhân chẳng hạn. Một khi đã hiểu được cơ chế làm việc, các nhà khoa học có thể, chẳng hạn như trong việc thay tim hay cấy tim, có thể tránh được các phản ứng thải ghép mà không cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch [rất nhiều tác hại và tác dụng phụ] để chống loại thải cơ quan ghép nữa.
Vậy tế bào mầm bội năng có tiềm năng chữa bệnh mạnh như tế bào mầm đa năng hay không? Phải nói ngay rằng cho đến hiện nay việc sử dụng tế bào mầm bội năng trong điều trị đã được nghiên cứu rộng rãi, có thể tóm gọn trong các lĩnh vực sau: điều trị các chứng ung thư như não, võng mạc mắt, buồng trứng, u đặc (solid), ung thư tinh hoàn, ung thư hệ tạo máu; các chứng bệnh tự miễn (autoimmume diseases) như đa xơ hoá, bệnh lu-pút ban đỏ hệ thống, thấp khớp; bệnh thiếu hụt miễn dịch, các bệnh tổn thương tim, bệnh ống thận bẩm sinh (hội chứng Fanconi) v.v.. Và cũng có nhiều kết qua,û cũng như hứa hẹn, hoặc còn đang trong vòng thẩm tra.
Nghiên cứu và ứng dụng tế bào mầm bội năng trong điều trị bệnh đã đem lại hiệu quả thực tế. Hiệu quả tích cực và hiển nhiên nhất là trong việc dùng tế bào mầm của người trưởng thành để ghép cơ quan mà cũng có thể tránh được hiện tượng loại thải ghép. Thế nhưng phương pháp chữa trị này cũng gặp một vài hạn chế đáng kể. Trước hết là không phải mọi loại tế bào của cơ thể người trưởng thành đều có thể cho phép phân lập tế bào mầm bội năng. Thí dụ như người ta chưa phân lập được tế bào mầm của cơ tim và tế bào mầm tiểu đảo tuỵ tạng. Thứ hai, là các tế bào mầm từ người trưởng thành hiện diện với mức độ rất nhỏ nên khó mà phân lập chúng được dưới dạng tế bào mầm chuyên dụng tinh khiết được, và theo tuổi tác số lượng này càng giảm xuống. Thí dụ muốn phân lập được tế bào mầm nơ-ron thần kinh thì phải có mô não lấy từ các cuộc phẫu thuật não điêàu trị các trường hợp động kinh. Điều khác nữa là trong việc cố gắng phân lập tế bào mầm của chính bệnh nhân bị bệnh, nhiều khi gặp phải khó khăn vì đó là cơ thể của người bị bệnh, có những rối loạn chức năng tế bào rồi! Lại đi lấy tế bào đó thì cần có thời gian đủ để có một cơ phận mới để ghép lại cho bệnh nhân, có lẽ họ không đủ thời gian để chờ đợi. Rồi trên chính những bệnh nhân có các rối loại về di truyền của chính cơ quan đó, liệu ta có tránh được việc nuôi cấy lại một bộ phận bị bệnh tương tự? Và cũng đã có những bằng chứng cho thấy rằng khả năng cho phép phân lập được tế bào mầm từ cơ thể trưởng thành kém hơn ở những trẻ em. Thêm nữa, trên cơ thể trưởng thành, qua tiếp xúc với môi trường sống, cấu trúc về di truyền của một cơ phận nào đó đã có thể bị nhiễm độc rồi, và khi tái tạo lại có khả năng gây rối loạn trong chuỗi di truyền DNA.
Đó là lí do tại sao giới khoa học gia, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về di truyền tế bào, di truyền phân tử thúc đẩy việc nghiên cứu tế bào mầm đa năng, chủ yếu là tế bào mầm phôi (ES) để tránh các nhược điểm của tế bào mầm bội năng. Và vì vậy đã động chạm đến các quan niệm y đức cũng như luật pháp trong xã hội.




Một vấn đề đạo đức ?


Vấn đề mấu chốt trong việc nghiên cứu tế bào mầm phôi là cứ mỗi tế bào được chiết ra từ túi phôi (gồm khoảng 100 tế bào) thì phôi bị tiêu hủy. Câu hỏi được đặt ra là sự hủy bỏ phôi này có nên được xem là một hành động phi đạo đức hay không?

Đối với Ki-tô giáo, việc làm này là phi đạo đức. Giáo hoàng John Paul II, từng tuyên bố rằng “Một xã hội tự do và đạo đức, mà nước Mĩ thiết tha muốn có, phải từ bỏ những thói quen làm giảm phẩm cách và xâm phạm sự sống của con người trong bất cứ giai đoạn nào từ thụ thai cho đến khi qua đời” . Cũng trong tác phẩm “Cuốn thánh kinh của cuộc sống” năm 1995 của mình, ông viết: “Các phôi người được nuôi cấy từ ống nghiệm cũng là con người và cũng có quyền hạn, phẩm giá và quyền sống của những con người này cần phải được tôn trọng từ ngay điểm khởi đầu của sự hiện diện. Thật là vô đạo đức khi đi tạo ra các phôi người như là một sự định đoạt rồi để khai thác như là một “ chất liệu sinh học” bỏ đi” [4]. Quan điểm này bắt nguồn từ niềm tin của Ki-tô giáo rằng sự sống của con người khởi đầu từ lúc trứng và tinh trùng liên hợp. Nói một cách khác, Ki-tô giáo công nhận quyền sống và địa vị đạo đức của trứng lúc thụ tinh. Do đó, các tu sĩ Ki-tô giáo phản đối mạnh mẽ việc nghiên cứu tế bào mầm phôi. Họ phát biểu rằng họ chẳng có phản đối gì nếu tiến hành nghiên cứu hay chiết xuất tế bào mầm bội năng từ người trưởng thành hay từ dây rốn của trẻ sơ sinh cả.

Nhiều thành phần trong xã hội cũng phản đối việc hủy diệt một túi phôi để lấy tế bào mầm. Họ cho rằng phôi phải được tôn trọng như một con người. Và ý kiến phản đối này còn đến từ những vị khoa bảng có tiếng tăm. Giáo sư Pellegrino, giám đốc trung tâm Y đức sinh học lâm sàng, Viện đại học Georgetown (Mĩ), tuyên bố: “Tôi phản đối bất kỳ mọi nghiên cứu nào mà làm huỷ hoại cấu trúc phôi người còn sống. Phôi người là thành viên của loài người tính từ khi thụ tinh, và vì vậy cần phải gắn liên với đạo đức đặc biệt. Tôi chọn điểm mốc là 14 ngày, các nghiên cứu tiến hành trên phôi người vào thời điểm trước đó thì chấp nhận được” [5].


Một túi phôi không phải là một nhóm tế bào thông thường, mà nó có đầy đủ các thông tin về di truyền, và có khả năng phát triển thành một con người. Vì thế, mà người ta lí giải rằng sự tôn trọng cho con người phải bình đẳng, bất kể con người đang ở trong giai đoạn phát triển nào.
Đứng trên quan điểm vị lợi thực tế, phôi là một thực thể không có khả năng tự vệ, hiện nay không được bảo vệ. Ngoài ra, người ta còn chất vấn vấn đề phân phối phí tổn và lợi ích có thực sự công bằng và theo nguyên tắc công lí hay không. Họ lập luận rằng thay vì đem tiền của công sức vào nghiên cứu các tế bào mầm phôi này thì tập trung sức lực vào nghiên cứu cơ chế bệnh lí ở khía cạnh khác, hoàn thiện nghiên cứu hoá dược, cơ chế tác động dược động, dược lực học để tìm ra thuốc chữa bệnh mới. Lịch sử nghiên cứu y khoa cho thấy chúng ta cần phải củng cố bảo vệ những người yếu thế, thấp cổ bé họng. Tuy nhiên, chính sách bảo vệ này chưa được áp dụng cho các phôi tế bào. Do đó, có người dựa vào nguyên lí phòng ngừa (precautionary principle) cho rằng thà xã hội sai lầm trong việc không tiêu hủy phôi hơn là sai lầm trong việc hủy diệt một con người!

Những tranh luận xung quanh nghiên cứu tế bào mầm không chỉ giới hạn trong giới nghiên cứu khoa học hay tôn giáo, mà còn lan rộng ra ngoài xã hội nói chung, lôi cuốn theo giới chính trị. Kể ra thì cũng dễ hiểu, vì sử dụng bào thai con người cho nghiên cứu khoa học không những là một việc làm tế nhị, mà còn có ý nghĩa về xã hội, tôn giáo, đạo đức, và chính trị. Người ủng hộ và người chống đối đang đứng trước một trận chiến là có nên hợp pháp hóa hay không hợp pháp hóa nghiên cứu tế bào mầm.

Phản ứng chính trị tỏ ra rất khác biệt giữa các quốc gia. Ở Âu châu, một số nước như Áo, Ba Lan, Tiệp, Thụy Sĩ và Na Uy không có đạo luật nào ngăn cấm nghiên cứu hay sử dụng tế bào mầm. Ở các quốc gia khác như Thụy Điển, tế bào mầm được cho phép sử dụng. Đức cho phép các nhà khoa học nhập cảng tế bào mầm từ các nước khác. Anh có lẽ là quốc gia có chính sách rộng rải và thực tế nhất: Anh chó cho phép nghiên cứu tế bào mầm. Ở Úc thì vẫn đang bàn cãi gay gắt về vấn đề cloning và tế bào mầm. Canada thì cho phép dùng tế bào mầm trong một khuôn khổ nhất định, nhưng Quebec lại cấm dùng phôi tế bào trong nghiên cứu. Ở Nhật, phôi tế bào mầm có thể được gieo trồng với điều kiện các tế bào này lấy từ các chương trình thụ thai nhân tạo. Tại Mĩ, trong một thông điệp phổ biến rộng rãi trong công chúng vào ngày 9 tháng 8 năm 2001, Tổng thống Goerge W. Bush thông báo về một quyết định (phải mất một thời gian suy nghĩ lâu dài) là chi cấp một ngân sách thích hợp chỉ cho phép nghiên cứu trên khoảng 60 dòng tế bào mầm (stem cell line) từ phôi đã được phá huỷ rồi mà thôi. Trong khi Ông Bush từ chối cấp ngân sách nghiên cứu tế bào mầm từ những phôi chưa phá huỷ, điều cần ghi nhận là quyết định này của ông chỉ áp dụng cho các đơn vị nghiên cứu công lập thôi chứ chưa áp dụng cho các đơn vị nghiên cứu tư.

Sự sống con người bắt đầu từ lúc nào?


Tuy nhiên các quan điểm trên đây, kể cả quan điểm của Ki-tô giáo, không giải thích tại sao một trứng thụ tinh được xem là một con người có đạo đức, cũng như không cho biết những tiêu chí nào mà Ki-tô giáo và những người phản đối [chương trình nghiên cứu tế bào mầm] dùng để định nghĩa một con người. Thành ra, câu hỏi cần được đặt ra là: “sự sống con người bắt đầu từ lúc nào?” Phát biểu một cách khác: khi nào thì một sinh vật, một thực thể được xem là một con người.
Phải nói ngay rằng không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này, bởi vì có nhiều khía cạnh để định nghĩa một con người, và những khía cạnh này phát sinh trong nhiều thời điểm khác nhau. Theo chúng tôi, một thực thể chỉ là con người khi thực thể đó hội đủ những đặc tính di truyền, khả năng nhận thức, nhân dạng sinh học, và ý thức đạo đức.

• Về khía cạnh di truyền, tất cả các thông tin để cấu tạo nên một con người đều chứa trong một hợp tử. Từ lúc thụ thai, tế bào đã có đủ 23 cặp nhiễm sắc thể, và có khả năng tự nhân ra nhiều tế bào khác để cấu tạo thành một con người sau này. Điều cần nói thêm là không chỉ tế bào mầm mới có các thông tin di truyền, mà hầu hết các tế bào khác trong con người đều chứa thông tin di truyền.

• Tiềm năng nhận thức chỉ phát sinh sau khi bào thai đã có một cấu trúc thần kinh cơ bản. Trong giai đoạn thụ thai, cấu trúc này chưa có trong tế bào. Lí trí chỉ phát triển khi vùng vỏ ở bộ não được hình thành, và chỉ khi nào những vùng như thế hoàn toàn phát triển trong giai đoạn cuối cùng mang thai. Kể cả đến khi trẻ sơ sinh ra đời các dây thần kinh vẫn chưa được phát triển đầy đủ và trưởng thành được.

• Nhân dạng sinh học (biological identity), trên thực tế bào thai người 4 tháng (16 đến 20 tuần tuổi thai) là đã có đầy đủ các cơ phận như một con người.

• Về khía cạnh đạo đức, một cá nhân chỉ nhận thức được đúng / sai sau khi sinh ra và có thể trước độ tuổi niên thiếu hay dậy thì, lúc mà cá nhân đã phát triển cá tính riêng biệt và ý thức được các giá trị đạo đức xã hội.

Vì có nhiều khía cạnh như thế, sự bất đồng ý kiến về thời điểm mà con người phát sinh là một điều dễ hiểu và đương nhiên. Tuy nhiên, qua những cân nhắc trên đây, thật khó mà cho rằng phôi là con người, và không có lí do gì để điều chỉnh cái thời điểm phát sinh con người lùi lại thời điểm thụ tinh. Một hợp tử có thể có đầy đủ các thông tin di truyền (cũng như một cọng tóc, một khối nước bọt, một giọt máu đều có thông tin di truyền), nhưng hợp tử cũng có thể tự tách rời thành hai hợp tử (sinh đôi), hay cũng có thể phát triển thành một bào thai. Chỉ khi nào một hợp tử phát triển thành bào thai thì những khía cạnh con người mới có ý nghĩa. Và ngay cả khi hợp tử có khả năng phát triển thành bào thai, có nhiều yếu tố khác trong giai đoạn thai nghén có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của bào thai. Thụ tinh chỉ là một trong nhiều bước cần thiết để phát triển thành một cá nhân, một con người. Thụ tinh không phải là mốc thời điểm để định nghĩa một con người, và kết quả khởi đầu của thụ tinh không phải là một con người. 

Hủy diệt tế bào phôi là vô đạo đức ?


Quay trở lại câu hỏi căn bản: có thể cho rằng sự hủy diệt một túi phôi là một hành động giết người, hay vô đạo đức hay không? Như trình bày trên, một số người cho rằng hủy diệt túi phôi để chiết tế bào mầm là một việc làm vi phạm đạo đức con người. Nhưng xét cho cùng, quan điểm này có vẻ nghiêng về cảm tính hơn là lí trí.
Phôi thường hay bị sẩy, và bị tiêu hủy một cách “tự nhiên” Thật vậy, nếu cho một khả năng thụ thai tối đa của một người phụ nữ thì tháng nào đến kỳ đều có khả năng thụ thai được. Nhưng ta chỉ xác định được là phôi đó đó đã có thể đậu thành thai khi họ có thai, còn làm sao xác định được bao nhiêu phôi đó đã không tạo thành thai được, và bị thải ra ngoài! Và không ai lại lí giải rằng quá trình thải này là vô đạo đức, hay trái luân lí! Hoặc là, trong một trường hợp một người phụ nữ nào đó đã mang thai, mà phải có chỉ định đình chỉ thai nghén (bệnh tật đe doạ tính mạng) thì có phải là vô đạo đức hay không khi ta huỷ một bào thai hẳn hoi đó?
Thêm nữa như đã phân tích ở trên một tế bào mầm đa năng là tế bào sẽ phát triển thành thai. Thế nhưng nếu chỉ đem cấy tế bào mầm đa năng này không thôi vào trong tử cung phụ nữ thì nó sẽ chết và không bao giờ thành thai để mà thành người được (vì còn thiếu lá rau để nuôi dưỡng). Nói lá rau cũng là con người hay một bộ phận của con người thì không được. Như vậy thực thể người có thể xác định ở giai đoạn nào đó ít nhất là khi đã thành hình người, chứ khó thể ở giai đoạn phôi, thậm chí tiền kỳ giai đoạn thai. Cho nên, ta có thể nói dù là tế bào toàn năng (totipotent), hay đa năng (pluripotent) thì cũng chỉ có thể là một chất liệu cần thiết để hình thành sự sống chứ chưa phải là một thực thể sống. Nó như một tế bào sống. Và không thể coi một tế bào sống là một thực thể sống được.

Thêm nữa như đã phân tích ở trên một tế bào toàn năng là một tế bào có khả năng để cho một bào thai để lớn lên thành một con người hoàn chỉnh, thông qua việc phân chia thành tế bào đa năng và lớp tế bào ngoài. Và chỉ có phần tế bào mầm đa năng mới phát triển thành thai mà thôi. Thế nhưng nếu chỉ đem cấy tế bào mầm đa năng này không thôi vào trong tử cung phụ nữ thì nó sẽ chết và không bao giờ thành thai để mà thành người được! Vậy nhận định như thế nào ở đây? Nói khái niệm con người tính từ khi thụ tinh thì quả khó, vì chỉ có một phần sau đó (tế bào đa năng) mới thành người, mà đem cái “người” đó cấy vào cơ thể thì không thể thành người được (vì thiếu lá rau nuôi dưỡng).

Một sự hủy diệt vô đạo đức và trái luân lí chỉ khi nào (i) sự hủy diệt đó có chủ tâm và (ii) thực thể bị tiêu hủy là sinh vật có ý thức, có đạo đức. Điều kiện thứ nhất giải thích tại sao những sự huỷ diệt do thiên tai hay tai nạn như bão lụt, núi lửa, thú dữ giết người, kể cả tai nạn do con người gây ra như đắm tàu do tai nạn không lường trước, tai nạn máy bay do thời tiết xấu đột ngột là ngoài phạm vi của luân lí và đạo đức. Điều kiện thứ hai giải thích tại sao những hành động hủy diệt cây cỏ, côn trùng, thậm chí uống thuốc trụ sinh (chẳng hạn như penicillin), v.v... không được xem là vô đạo đức. 

Cả hai điều kiện này phụ thuộc vào nhận thức. Thú dữ là động vật không tỉnh thức, không có ý thức, và do đó không có một nhận thức nào về hậu quả đạo đức của hành động của nó, nên hành động hủy diệt này phải được xem là ngoài phạm vi của đạo đức. Cũng chẳng ai quy kết cho viên phi công lái máy bay vì tai nạn thời tiết bất ngờ là vô đạo đức. Tương tự, khoai, rau cỏ, vi khuẩn, muỗi, v.v… tất cả đều không có ý thức. Tiêu hủy chúng không có nghĩa là vô đạo đức, bởi vì chúng không phải là những sinh vật đạo đức.

Trong trường hợp của phôi, đó là một thực thể không có một ý thức nào, và cũng chính vì các tế bào phôi chưa biệt hóa thành các tế bào biệt dụng (như tế bào thần kinh) do đó chúng có giá trị trong nghiên cứu y học. Phôi, cũng giống như rau cỏ hay vi khuẩn hoàn toàn không có ý thức. Phôi có thể có đầy đủ chất liệu di truyền, nhưng các chất liệu đó chưa phát sinh thành bộ não. Vả lại, chất liệu di truyền chỉ là một điều kiện cần, chứ chưa là một điều kiện đủ để phát sinh một con người.

Một số người phản đối nghiên cứu tế bào mầm cho rằng việc thay thế (hay tái tạo) tế bào mới, hay phát sinh di truyền (clone) là một việc làm chỉ có Thượng đế (God) mới có quyền. (Nhưng họ không giải thích tại sao đóng vai trò thượng đế để giải quyết vấn đề bệnh tật là một việc làm xấu xa cần phải tránh.) Một cách gián tiếp, những người phản đối nghiên cứu tế bào mầm tin tưởng vào thuyết di truyền định mệnh (genetic determinism), và hàm ý cho rằng dùng tế bào mầm để chữa trị bệnh tật là một sự cướp quyền của thượng đế, cái quyền mà con người không nên có. Nhưng luận điểm này cũng đồng nghĩa với sự chối bỏ vai trò của ý thức, của tri thức, và có thể nói là phản khoa học. Không ai biết thượng đế có quyền gì, và cũng chẳng ai thấy thượng đế ra sao hay phát biểu gì. Chưa có bằng chứng gì để cho rằng ý thức là một cái gì đó do thần linh nào đó ban cho. Nhưng có bằng chứng cho thấy ý thức không phát sinh một cách tình cờ, mà là sản phẩm của một quá trình lao động tiến hóa. Tri thức của con người liên tục đi tìm chân lí và đặt câu hỏi về đạo đức, và đó chính là một sản phẩm của chính con người, chứ không phải sản phẩm của một thượng đế nào cả.

Những cân nhắc trên đây cho thấy, nghiên cứu phôi tế bào mầm không phải là một việc làm vô đạo đức hay trái luân lí. Quyền nghiên cứu dùng tế bào mầm để chữa trị bệnh tật không phải là chỉ là quyền uy của một thượng đế vô hình nào đó, mà thể hiện một sự mở rộng lựa chọn của con người, một sự mưu cầu tri thức nhằm vào mục tiêu cuối cùng là diệt khổ. Diệt khổ cũng là một mục tiêu của Phật.

Chú thích

[1] Tế bào là đơn vị cơ bản của mọi sinh vật. Mỗi tế bào có một màng bao bằng chất béo (lipid) và chất đạm (protein), hai màng này kiểm soát tất cả các chất ra và vào tế bào. Trung tâm của mỗi tế bào là cái nhân (nucleus). Cái nhân này có chứa những chất liệu di truyền mà ta thường gọi là DNA (viết tắc từ chữ deoxyribonucleic acid).
Theo một ước tính gần đây, mỗi gram mô (tissue) chứa khoảng một tỷ tế bào. Có nhiều nhóm tế bào trong cơ thể con người, và mỗi nhóm tế bào chuyên dụng (specialized cells) có nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn như tế bào não có nhiệm vụ giữ gìn trí nhớ và tri thức, chỉ huy vận động, cảm giác v.v..; tế bào tim kiểm soát tim đập nhịp nhàng; tế bào ruột điều chế chất nhầy (mucus), v.v... Trong cơ thể, các tế bào này có thời gian tồn tại nhất định. Chẳng hạn như tế bào tinh trùng nam chỉ sống sót khoảng vài tháng, trong khi đó tế bào trứng của phái nữ có thể tồn tại đến 50 năm khi chưa rụng. Đa số tế bào đều có khả năng tái tạo, trừ các tế bào thần kinh.
Về cấu trúc của một đơn vị tế bào người đều giống nhau, mặc dù khác nhau về chức năng và thời gian sống : trong mỗi tế bào đều có một cái nhân (nucleus) nằm chính giữa. Nhân này có chứa những chất liệu di truyền mà ta thường gọi là DNA (viết tắc từ chữ Anh, DeoxyriboNucleic Acid). Mỗi nhân thường có hàng triệu DNA. mỗi DNA gồm có bốn mẫu tự (yếu tố hóa học, còn gọi là nucleotide): A (adenine), C (cytosine), G (guanine), và T (thymine). Một mảng DNA tạo thành một gien. Và nhiều gien tạo thành một bộ di truyền hay nhiễm sắc thể, còn gọi là chromosome. Cơ thể Con người có 23 đôi nhiễm sắc thể. Có thể nói một cách ví von bằng cách dùng quyển sách như là một ví dụ để minh họa cho mối liên hệ giữa gien, nhiễm sắc thể, và bases. Trong sách có 23 chương (chromosome); mỗi chương có nhiều câu chuyện (gien); mỗi câu chuyện có nhiều đoạn văn (exons); mỗi đoạn văn có nhiều chữ (codons); và mỗi chữ được viết bằng 4 mẫu tự (bases).

[3] J.A. Thomson, và đồng nghiệp, “Embryonic stem cell lines derived from human blastocysts,” Tập san Science, năm 1998; bộ 282: trang 1145-1147; B.E. Reubinoff, và đồng nghiệp, “Embryonic stem cell lines from human blastocysts: somatic differentiation in vitro,” Tập san Nature Biotechnology, năm 2000; bộ 18: trang 399-404.

[4] Tạm dịch từ phát biểu “A free and virtuous society, which America aspires to be, must reject practices that devalue and violate human life at any stage from conception until natural death,” John Paull II, 2001; và trong cuốn The Gospel of life, Pope John Paul II, 1995 : “ Human embryos obtained in vitro are human beings and are subjects with rights; their dignity and right to life must be respected from the first moment of their moment of their existence. It is immoral to produce human embryos destined to be exploited as disposable “biological material”.”

[5] Physician’s Weekly, 4 tháng 10, 1999, Bộ XVI, số 37.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét