Lưỡng Hà là tên gọi của một nền văn minh cổ đại nổi tiếng thế giới phát tích ở nơi gồm lãnh thổ Iraq, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây nam Iran hiện đại. Lưỡng Hà là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất mà nhân loại biết đến, có trình độ phát triển cao về mọi mặt. Lịch sử nền văn minh này là “Sự Liên tục của những Đứt đoạn”.
1.Vài nét về văn minh Lưỡng Hà
Lưỡng Hà (Mesopotamia) là tên vùng đất giữa 2 dòng sông (Meso = giữa, potamia = sông), gồm sông Tigris và sông Euphrates. Cả hai dòng sông này đều bắt nguồn từ miền rừng núi Acmênia chảy qua lãnh thổ Irắc ngày nay rồi đổ ra vịnh Ba Tư (Pécxích). Trong phần lớn chiều dài lịch sử, vùng đất hiện là Iraq ngày nay gần trùng với vùng Lưỡng Hà cổ xưa. Nhiều đế chế đã thay nhau cai trị vùng Lưỡng Hà như Sumer, Akkad, Assyria và Babylon.
Lưỡng Hà rất hiếm vật liệu đá và các loại khoáng sản nhưng chất đất ở Lưỡng Hà chủ yếu là đất sét phù sa rất thích hợp cho việc sản xuất gạch và đồ gốm. Vào giữa thế kỷ XIX các nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật được tại Niniv - kinh đô thời đế chế Assyrie một thư viện đồ sộ - thư viện của Hoàng đế Assurbanipal với 22.000 bảng gạch bằng đất sét có khắc chữ. Những bảng gạch bằng đất sét ấy bị chôn vùi dưới đất 2500 năm, đã được lửa làm cho rắn thêm nên đã không bị hủy hoại. Ở Iraq ngày nay (thuộc vùng Lưỡng Hà xưa kia) có một địa danh nổi tiếng trong lịch sử là thành Babylone. Người Akkad đã đặt nền móng đầu tiên cho nó vào những năm 2350 – 2150 trước CN, phía bắc thành là cửa Ixta nổi tiếng ghép bằng gạch lưu ly màu, một sản phẩm độc đáo chỉ có ở vùng Lưỡng Hà [i]
Vườn treo Babylon Văn tự cổ Lưỡng Hà
Vùng Lưỡng Hà có khí hậu nóng ẩm, thực vật phong phú đa dạng. Hàng năm, vào tháng 5, nước lũ của hai con sông tràn ngập, sau khi nước rút, một lượng phù sa dày trải dài trên đồng bằng rộng lớn và bằng phẳng. Môi trường thuận lợi cho các nhóm cư dân khác nhau đổ về làm ăn và sự đa dạng về nguồn chủng tộc cũng là yếu tố khiến cho vùng này rất khó thống nhất về mặt ý chí. Nhóm cư dân đầu tiên di cư từ phương Đông đến vào thiên niên kỷ IV trước CN đã sáng lập nên nền văn minh đô thị cổ đại đầu tiên ở lưu vực 2 sông này. Họ là người Sumer [ii].
Chữ viết tượng hình của Lưỡng Hà do người Sumer sáng tạo vào cuối thiên kỷ IV TCN. Bộ luật quan trọng nhất ở Lưỡng Hà cổ đại là luật Hammurabi khắc trên một bia đá, được đội khảo cổ học Pháp phát hiện ở Xuda (phía đông Lưỡng Hà), nay trưng bày ở viện bảo tàng Louvre (Paris, Pháp). Đây là bộ luật cổ nhất hầu như còn nguyên vẹn mà ngày nay đã phát hiện được. Các công trình kiến trúc chủ yếu là tháp, đền miếu, cung điện, thành, vườn hoa đều xây dựng bằng gạch. Vườn hoa trên không (còn gọi là vườn treo Babylon) là một công trình rất độc đáo. Toàn bộ vườn treo được tạo dựng trên một cái đài lớn cao 25m [iii]
2. Sự suy sụp
Văn minh Lưỡng Hà được định hình bởi hai yếu tố đối lập: sự bất trắc của hai dòng sông Tigris và Euphrates (vào bất kỳ lúc nào cũng có thể gây ra những trận lũ lụt lớn quét sạch các quần cư), và sự màu mỡ đặc biệt của hai vùng châu thổ do phù sa của chính hai dòng sông tạo ra. Nếu sự giàu có của Lưỡng Hà có sức hấp dẫn đối với nhiều tộc người xung quanh thì những thời kỳ suy sụp do thiên tai gây ra cho Lưỡng Hà lại là cơ hội cho những cuộc chiến tranh của các đế chế lân cận nhằm cướp đoạt lãnh thổ. Vì thế dễ thấy lịch sử Lưỡng Hà là sự kế tục của nhiều đứt đoạn khi một triều đại mới văn minh hơn và mạnh hơn thay thế cho một triều đại trước đó. Nếu tính từ thời văn hóa Sumer cuối thiên niên kỷ thứ iV trước CN cho tới khi những người Achaemenid trỗi dậy vào thế kỷ thứ 6 trước CN thì lịch sừ Lưỡng Hà đã kịp thay thế 13 nền văn hóa như sau [iv]:
a. "Các nền văn hoá" Hassuna, Samarra và Halaf (Cuối thời Đồ đá mới)
b. Giai đoạn Ubaid (khoảng 5900 TCN - 4000 TCN)
c. Giai đoạn Uruk (khoảng 4000 TCN - 3100 TCN)
d. Giai đoạn Jemdet Nasr (khoảng 3100 TCN - 2900 TCN)
e. Các triều đại thành bang sớm (khoảng 2900-2350 TCN)
f. Đế chế Akkadia (khoảng 2350 BC - 2193 TCN).
g. Vương triều Ur thứ ba ("Sự phục hưng của Sumer" hay "Giai đoạn Tân Sumer") (khoảng 2119 TCN - 2204 TCN)
h. Vương quốc Assyria sớm khoảng thế kỷ thứ 20 tới thế kỷ thứ 18 TCN
i. Triều đại Babylon đầu tiên khoảng thế kỷ thứ 18 tới thế kỷ thứ 17 TCN
j. Triều đại Kassite, Giai đoạn giữa Assyria khoảng thế kỷ thứ 16 tới 12 TCN
k. Thời kỳ đen tối khoảng thế kỷ thứ 12 tới 10 TCN
l. Tân Đế chế Assyria khoảng thế kỷ thứ 10 tới 7 TCN
m. Tân Đế chế Babylon khoảng thế kỷ thứ 7 tới 6 TCN
Ngoài lũ lụt bất trắc, Lưỡng Hà còn bị một trận “Đại hồng thủy” vào cuối triều đại đế chế thứ 13 (Tân Babylon – thế kỷ 6 trước CN). Một truyền thuyết được coi là cổ xưa nhất về Đại hồng thủy được ghi lại trong cuốn sách đá của nền văn minh Lưỡng Hà. Trong những năm 1920, nhà khảo cổ học người Anh Leonard Wooley khi khai quật ở khu vực phía Nam Lưỡng Hà (được coi là nơi sinh Abraham, tổ phụ của dân Do Thái) đã phát hiện các vỉa bùn sâu nằm dưới nước. Ngoài ra còn có nhiều dấu vết nhà cửa vật dụng bằng gốm chìm dưới tầng bùn. Gần đây, các nhà khoa học tìm thấy dấu tích của một chiếc tàu lớn trên một đỉnh núi cao gần 2.000m tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho rằng đó là chiếc tàu nổi tiếng của Noah, được ghi chép trong sách Sáng Thế ký. Như vậy Đại hồng thủy là có thật [v].
“Phát triển thịnh vượng - suy sụp do thiên tai – chiến tranh hủy diệt – lại phát tiển thịnh vượng nhưng do đế chế khác cai quản” là một kiểu chu kỳ của văn minh Lưỡng Hà trong suốt 4 thiên niên kỷ trước CN. Những chủ nhân của Lưỡng Hà rất giỏi tạo ra văn minh nhưng cũng rất mỏng manh do kém thích ứng với thiên tai và địch họa, vì thế mà nói “Lịch sử văn minh Lưỡng Hà là sự liên tục của những đứt đoạn”.
[i] Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với văn hóa Ai cập và Lưỡng hà. http://www.tinmoi.vn/Anh-huong-cua-dieu-kien-tu-nhien-doi-voi-van-hoa-ai-cap-va-luong-ha-081016024.html
[ii] Văn minh Tây Á. http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_minh_T%C3%A2y_%C3%81
[iii] Văn minh Lưỡng Hà cổ đại. http://www.go.vn/diendan/showthread.php?892093-Lich-su-van-minh-Luong-Ha
[iv] Lưỡng Hà http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0%E1%BB%A1ng_H%C3%A0
[v] Đại hồng thủy – truyền thuyết và sự thật. http://www.bian.vn/cms/dai-hong-thuy-a-truyen-thuyet-va-su-that-872/
Nguyễn Đình Hòe – Nguồn VACNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét