Đây là một đoạn trích từ một bài viết của tác giả Nguyễn Tường Bách. Tựa là do tôi đặt.
Nhiều vấn đề khoa học phức tạp đã được tác giả giải thích vắn tắt, dễ hiểu!
Đây là vấn đề chung của ngành vật lý lý thuyết, triết học và cả tôn giáo!
Các thông tin này sẽ có ích cho tất cả những "con người tư duy"! .
Điểm xuất phát
Trong thời điểm hiện nay, theo thuyết lượng tử, vật chất có ba đặc tính sau đây:
1. Trong thế giới cực tiểu, vật chất vận động một cách phi liên tục, trong nghĩa là hoạt động của vật chất được hình thành bởi những “lượng tử” rất nhỏ nhưng cụ thể và không thể phân chia. Sự vận động của vật chất “nhảy từng bước” chứ không “chảy” một cách liên tục.
2. Các đơn vị vật chất (thí dụ electron) có những đặc tính khác nhau. Khi thì nó xuất hiện như hạt, khi thì như sóng, khi thì nửa sóng nửa hạt, tùy theo điều kiện xung quanh và tùy theo các phương tiện quan sát và dò tìm chúng.
3. Trong một số trường hợp, hai đơn vị vật chất (thí dụ hai electron trước đó thuộc về một phân tử nay đã bị cách ly) có một mối liên hệ liên thông (non-local). Hai đơn vị đó “biết” đến tình trạng của nhau một cách tức thời, dù chúng bị cách ly với khoảng cách bất kỳ.
Đặc tính thứ nhất của sự vận động của vật chất trong mức độ vô cùng bé là khác với sự vận động trong thế giới vĩ mô của chúng ta.
Đường đi của vật thể trong sự rơi tự do hay quỹ đạo của thiên thể luôn luôn vẽ nên một đường cong liên tục. Tuy thế, đặc tính thứ nhất này vẫn còn tương thích với lý tính (reason) của đầu óc con người.
Đặc tính thứ hai được xem là một nghịch lý vì sóng và hạt là hai dạng tồn tại của vật chất hoàn toàn khác nhau, loại bỏ lẫn nhau. Thế nhưng hai dạng tồn tại đó của vật chất được kết quả thực nghiệm thừa nhận một cách thuyết phục, do đó người ta vẫn chấp nhận chúng như hai dạng tồn tại song song, thậm chí thiết lập mối quan hệ về toán học giữa hai bên một cách dễ dàng.
Đặc tính thứ ba của vật chất mới nghe qua không có gì to tát lắm, nhưng thực ra nó dẫn ta tới nghịch lý quan trọng nhất từ xưa tới nay. Đó là, vì tính chất “liên thông” này, ta phải từ bỏ một trong hai quan niệm sau đây:
a) có một thế giới khách quan tồn tại độc lập ở bên ngoài ý thức con người, hay
b) vận tốc của tín hiệu vật lý có thể đi nhanh hơn ánh sáng.
Cả hai quan niệm nói trên đều là những điều bất khả xâm phạm trong ngành vật lý, bởi lẽ nếu không có một thế giới vật chất độc lập thì toàn bộ ngành vật lý mất đi đối tượng của mình, thì vật lý và tâm lý sẽ bị quy thành một. Mặt khác, nếu có tín hiệu đi nhanh hơn ánh sáng thì thuyết tương đối bị bác bỏ, thì con người có thể đi trước cả tương lai và biết bao nhiều điều “vô lý” của khoa học giả tưởng sẽ thành sự thực cả. Nhưng trước hết, ta cần giải thích do đâu mà có đặc tính thứ ba nói ở trên. Năm 1935, Einstein và cộng sự đề nghị một phép “thí nghiệm bằng tư tưởng” nhằm nêu lên sự thiếu sót của thuyết lượng tử trong việc tìm hiểu tính chất thực sự của các hạt hạ nguyên tử[1]. Thí nghiệm nổi tiếng này được mệnh danh là nghịch lý EPR.
Ở đây ta chỉ trình bày EPR một cách hết sức đơn giản. Trong nghịch lý này, Einstein cho cách ly hai đơn vị vật chất A và B (thí dụ nguyên tử hay electron), chúng vốn nằm trong một thể thống nhất và do đó chúng có sẵn một mối liên hệ với nhau, thí dụ tổng số spin của chúng bằng không. Nay ta cách ly chúng hàng vạn dặm, không để cho chúng có thể tương tác lẫn nhau. Khi đo một trị số spin của A thì B lập tức có một trị số, để tổng số của chúng bằng không. Trong thuyết lượng tử, vì nguyên lý bất định, người ta cho rằng hành động đo lường đã xác định một trị số tại A và làm “nhòe” đi các trị số khác cũng tại A. Câu hỏi của Einstein là tại sao B “biết” được trị số tại A để phản ứng tức khắc, mà điều này sẽ vi phạm quy luật vật lý là không có tín hiệu nào đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Nghịch lý EPR này được tranh cãi suốt nhiều thập niên.
Nhà duy thực Einstein cho rằng A và B phải có những tính chất thực sự, khách quan, riêng biệt, có thể cô lập được, chúng đã có những tính chất đó trước khi hành động đo lường xảy ra. Khoảng ba mươi năm sau khi nghịch lý EPR ra đời, Bell’s Theorem quả quyết quan niệm tính chất “thực sự, khách quan, riêng biệt” là không thể tương thích với cơ học lượng tử [3] . Năm 1981, Alain Aspect tại Đại học Paris đã chứng minh là kết quả thực nghiệm tuân thủ cơ học lượng tử và bác bỏ các lý thuyết của tính chất “thực sự, khách quan, riêng biệt”[4] của vật chất. Điều đó có nghĩa hai hạt A và B có mối liên hệ liên thông, khi đã ở trong một thể thống nhất rồi, chúng cần được quan niệm là một hạt dù có tách rời chúng ta vạn dặm đi nữa. Hơn thế nữa, hạt đó không có tính chất riêng biệt gì cả, mà khi ta đo lường, các tính chất riêng biệt của chúng (thí dụ spin) mới xuất hiện. Khi thuyết “thực sự, khách quan, riêng biệt” của vật thể bị bác bỏ thì một thực tại vật lý độc lập, có tính chất riêng biệt cũng bị đặt lại vấn đề. Dĩ nhiên ở giai đoạn này, các kết quả vật lý đã sinh ra những phép diễn giải (interpretation) khác nhau, mang đậm tính triết học.
Người ta ngờ rằng thế giới hiện lên trước mắt ta sở dĩ có tính chất riêng tư là vì hành động đo lường của chính chúng ta. Thế thì phải chăng thế giới mà chúng ta đang thấy vì ta đo lường nó (hay nói chung vì ta nhận thức nó) mà nó “có”? Phải chăng nó không hề tồn tại một cách độc lập. Đó là lý do mà đặc tính thứ ba nói ở trên buộc ta phải từ bỏ một trong hai điều bất khả xâm phạm của ngành vật lý, một bên là có tín hiệu đi nhanh hơn ánh sáng, bên kia là thế giới vật chất với những đặc tính riêng của nó không hề tồn tại độc lập mà chỉ xuất hiện khi ta nhận thức nó. Nếu mệnh danh thực tại trước khi ta nhận thức nó là “thực tại lượng tử” (quantum reality) thì ít nhất ta phải thấy là sự biến hình từ thực tại lượng tử ra thế giới mà ta đang nhận thức bằng cảm quan là rất kỳ lạ.
Hiện nay chưa ai đề ra được một giải pháp thuyết phục được tất cả mọi người về vấn đề này. Người ta chỉ biết rằng, cần phải đưa hành động đo lường (tức là quan sát viên) vào trong một tổng thể vật được quan sát-người quan sát thì mới hiểu được sự vật. Đi xa hơn, nhiều người thấy phải đưa ý thức hay hoạt động của ý thức như một yếu tố chủ yếu vào tổng thể này, thí dụ Eugene Wigner, nhà vật lý đoạt giải Nobel.
Thế nhưng đi xa hơn nữa, người ta phải thấy “ý thức” thông thường của con người là một loại ý thức bị quy định trong tầm nhìn “cổ điển”, không tương thích với tính chất lượng tử của nền vật lý mới. Nhà vật lý Nick Herbert viết như sau: “Nguồn gốc của mọi nghịch lý lượng tử hình như xuất phát từ thực tế là, sự nhận thức của con người tạo ra một thế giới gồm những thực thể chuyên biệt - do đó kinh nghiệm của chúng ta buộc phải có tính chất cổ điển - trong lúc thế giới lượng tử thì hoàn toàn không phải như thế”. Có lẽ Nick Herbert đã điểm đúng huyệt của vấn đề. Đó là phép nhận thức của con người phương Tây, nhất là các nhà vật lý duy thực, xuất phát từ hệ tư tưởng xem “vật ở ngoài nhau”, xem sự vật bị dàn trải trong không gian và được nối với nhau bằng lực tương tác. Đó là đặc trưng của nền vật lý cổ điển Newton. Trong lúc đó, vật lý lượng tử - dù đang có nhiều kiến giải khác nhau - ít nhất cũng đòi hỏi cần xem vật được quan sát và người quan sát phải được thống nhất trong một thể chung.
Vì vấn đề phức tạp này của bản thể học và nhận thức luận, hiện nay người ta đứng trước một tình trạng phân kỳ trong ngành vật lý khi tìm đến thực tại “cuối cùng” của thế giới hiện tượng.
David Bohm |
Thuyết “sự vận động toàn thể” của David Bohm
Nhằm tiến tới một lý thuyết giải thích được những hiện tượng vật lý trong hai thuyết, cơ học lượng tử và thuyết tương đối và nhất là những nghịch lý được nêu lên, David Bohm phát triển một lý thuyết được gọi là “sự vận động toàn thể” (holomovement). Khái niệm trung tâm của thuyết này là “thứ bậc nội tại “ (implicate order).
1. Thứ bậc và thứ bậc nội tại “Thứ bậc” (Order)
là khái niệm mới do Bohm nêu lên. Đối với Bohm, mỗi thực tại, mỗi sự vận động có thứ bậc của nó. Cùng với các phát hiện mới, ngành vật lý dần dần khám phá thứ bậc của sự vận động, với những mức độ từ cạn tới sâu. Sự vận động cơ giới trong lý thuyết của Newton được Bohm gọi là có “thứ bậc không gian Descartes”. Trong thứ bậc này, mọi sự vật đều được xem là riêng lẻ, cái này nằm ngoài cái kia và tác động lên nhau bằng lực tương tác giữa vật thể. Với lý thuyết tương đối và cơ học lượng tử, dù giữa hai bên có những khác biệt vô cùng cơ bản (như tính chất phi liên tục, tính ngẫu nhiên, tính liên thông... của vật lý lượng tử), Bohm thấy cả hai đều mang chung một thứ bậc mới, đó là ta phải xem sự vật là một cái toàn thể không thể phân chia (undivided wholeness), trong đó sự cách ly các yếu tố của sự vận động không còn được chấp nhận. Thứ bậc này hoàn toàn khác với thứ bậc trong nền vật lý của Galileo và Newton. Thí dụ không gian, thời gian là một thể thống nhất trong thuyết tương đối, người quan sát và vật được quan sát là một thể thống nhất trong cơ học lượng tử. Sự phát triển của vật lý hạ nguyên tử gần đây cũng như những nghịch lý trong ngành vật lý đòi hỏi ta phải có một lý thuyết lý giải được vấn đề. Nhất là nghịch lý EPR xem ra buộc ta phải từ bỏ một trong hai quan niệm hầu như bất khả xâm phạm của ngành vật lý như đã trình bày ở trên. Ở đây, Bohm cho rằng phải đi sâu thêm một mức độ nữa để thấy một thứ bậc mới của thực tại. Thứ bậc này được Bohm mệnh danh là “thứ bậc nội tại” (implicate order). Nội dung của thứ bậc này là “cái toàn thể nằm trong từng cái riêng lẻ”. Nói rõ hơn, thực tại là hình ảnh của toàn vũ trụ được chứa ẩn tàng trong từng đơn vị nhỏ nhất của bản thân nó.
2. Ảnh toàn ký (Hologram)
Khái niệm thứ bậc nội tại nói trên khó hiểu nên Bohm đề nghị ta hãy liên tưởng đến một “ảnh toàn ký” (Hologram) để nắm bắt được ý nghĩa của quan niệm này. Ảnh toàn ký là hình ảnh ba chiều được hình thành bởi tia sáng laser. Đầu tiên, một vật thể ba chiều được chiếu rọi bằng laser và sau đó cho phản chiếu lên phim. Tấm phim lại được rọi bằng một nguồn laser thứ hai. Hai nguồn laser sẽ giao thoa với nhau trên phim và ảnh giao thoa sẽ được ghi lại trên phim. Ảnh giao thoa chỉ là những nét chi chít đậm nhạt hầu như vô nghĩa. Thế nhưng nếu ta rọi phim đó bằng một nguồn laser khác thì sẽ hiện lên hình ảnh của vật thể ban đầu trong dạng ba chiều. Điều kỳ lạ là nếu ta cắt tấm phim ra làm hai phần và chỉ rọi một nửa thì toàn bộ hình ảnh ba chiều vẫn tái hiện. Nếu ta cắt nhỏ tấm phim ra thành những đơn vị rất nhỏ, hình ảnh toàn phần ba chiều vẫn hiện lên đầy đủ, dĩ nhiên kích thước của nó bị thu nhỏ đi. Điều đó có nghĩa, mỗi phần nhỏ nhất của tấm phim vẫn chứa đầy đủ nội dung toàn phần của vật thể ban đầu. Theo Bohm, thế giới hiện ra trước mắt ta chỉ là một hình ảnh hologram của thực tại và sự vận động của thực tại được Bohm gọi là holomovement (sự vận động toàn thể).
3. Quan niệm về thực tại của David Bohm
Theo Bohm, vũ trụ, thế giới vật chất mà ta đang thấy xung quanh mình là dạng hình được khai triển (unfolded) từ một thực tại sâu kín hơn. Thực tại sâu kín này là một cái toàn thể bất khả phân, không thể định nghĩa, không thể đo lường. Trong thực tại này, mọi sự đều liên kết chặt chẽ với nhau. Thực tại này không nằm yên mà luôn luôn vận động nên được mệnh danh là “sự vận động toàn thể” (holomovement) và nó là nguồn gốc, là cơ sở của mọi dạng xuất hiện của vật chất và tâm thức. Muốn hiểu quan niệm thực tại của Bohm, ta cần từ bỏ phép giải tích, từ bỏ cách nhìn vũ trụ hiện nay như ta đang nhìn, xem nó gồm nhiều phần tử đang dàn ra trong không gian thời gian, điều mà Bohm gọi là:
“thứ bậc dàn trải” (explicate order).
Sự thay đổi thứ bậc này trong cách cảm nhận vũ trụ là khó khăn hơn cả sự chuyển đổi tư duy từ vật lý cơ giới qua thuyết tương đối hay qua cơ học lượng tử. Thứ bậc nội tại đòi ta biết cách nhìn “một trong tất cả, tất cả trong một”, một điều rất xa lạ với con người bình thường. Hãy nêu lên vài ẩn dụ để tới với cách nhìn này:
- Xem hệ phát sóng truyền thanh truyền hình. Nội dung phong phú của chương trình đã được chứa “ẩn tàng”trong mỗi đơn vị của sóng, lan tỏa trong không gian với vận tốc ánh sáng. Khi gặp máy thu hình thì thứ bậc ẩn tàng đó đã được “bung” ra để thành hình ảnh hay lời nói.
- Hoặc khi ngắm nhìn vũ trụ, ta thấy vô số vật thể trong không gian vô tận, chúng đại biểu cho sự vận động trong thời gian vô tận. Vô số những quá trình đó được chứa ẩn tàng trong sự vận động của ánh sáng thông qua một khoảng không gian tí hon của con mắt. Và sau đó nó “bung” ra trong óc ta để ta thấy vũ trụ.
- Trong cơ thể sinh vật, mỗi một tế bào nhỏ nhất cũng chứa DNA, thông tin của toàn bộ cơ thể đó. DNA cũng là một hình ảnh dễ hiểu của quan niệm “một trong tất cả, tất cả trong một”.
- Thí dụ giản đơn và có tính cơ giới nhất là một thanh nam châm với hai cực nam bắc. Nếu ta cắt thanh nam châm đó làm hai thì lập tức chỗ cắt sẽ sinh ra hai cực nam bắc. Nếu tiếp tục cắt thì ta sẽ có tiếp những thanh nam châm nhỏ hơn nữa. Do đó ta có thể nói mỗi điểm trong thanh nam châm đã chứa “ẩn tàng” hai cực nam bắc. Có cắt thì hai cực đó mới hiện ra, không cắt thì chúng nằm trong dạng “nội tại”.
Những ẩn dụ trên có thể có ích để hình dung về một thứ bậc nội tại nhưng chúng có hiểm nguy là làm ta lầm tưởng thực tại như là “sóng truyền hình” hay một không gian với các đơn vị vật chất riêng lẻ và tuân thủ theo những qui luật nhất định. Ngược lại, theo Bohm, thực tại là một thể thống nhất đang vận động, không thể phân chia, không thể định nghĩa, không thể đo lường mà một số dạng xuất hiện của nó hiện ra với ta như hạt, như sóng hay như những đơn vị tách lìa nhau và có tính chất ổn định tương đối. Những đơn vị vật chất, thí dụ electron, chỉ là một cái tên tạm đặt cho một khía cạnh xuất hiện của thực tại đó. Vật chất chỉ là một số dạng được“dẫn xuất” (abstracted) từ thực tại đó. Các quy luật vật lý đều là những lý thuyết áp dụng cho một số hiện tượng xuất phát từ sự vận động toàn thể đó. Và toàn thể vận động chính là sự tiếp nối liên tục giữa hai giai đoạn ẩn-hiện (enfold-unfold) của sự vận động toàn thể, mà vũ trụ của chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ của nó. Theo Bohm, phương pháp thông thường đến nay của vật lý là xem sự vật vốn tách biệt và được nối với nhau bằng những lực tương tác. Nhiệm vụ của khoa học là xét các sự vật riêng biệt và sau đó thấy cái toàn thể là tổng số các sự vật. Ngược lại, trong quan niệm thứ bậc nội tại, người ta phải bắt đầu với cái toàn thể bất khả phân và nhiệm vụ của khoa học là suy ra các phần đơn lẻ của nó bằng cách trích dẫn, xem chúng chỉ là những phần tử tạm thời ổn định và độc lập. Những phần tử xuất hiện có tính tạm thời đó được mô tả bằng “thứ bậc dàn trải”. Trên cơ sở này, Bohm nêu lên những nhận định như sau:
• Trong quá trình ẩn-hiện nhanh chóng của sự vận động toàn thể đó, có những dạng xuất hiện mà giác quan ta thấy là hạt. Chúng nối tiếp nhau xuất hiện trong thứ bậc dàn trải, khi thì ta thấy chúng nằm trên đường thẳng, khi thì hình cong trong không gian và tưởng có những lực tương tác chúng với nhau. Thực tế chúng là dạng xuất hiện kế tiếp nhau của một “tập hợp” (ensembles) không mang tính chất không gian. Ngược lại, vì chúng “hiện” ra liên tiếp, cái này sau cái kia mà ta thấy có không gian. Quan niệm này giải thích dễ dàng sự phi liên tục trong sự vận động được nêu ra bởi cơ học lượng tử. Ngoài ra, vì hạt chỉ là dạng xuất hiện của sự vận động toàn thể, nên khi những điều kiện thay đổi thì dạng xuất hiện cũng thay đổi, lúc đó nó có dạng sóng. Nghịch lý của sóng-hạt không còn tồn tại trong quan niệm về thực tại này nữa. Vật chất chỉ là một số khía cạnh thứ cấp của cái toàn thể đang vận động (subtotality of movement).
• Xuất phát từ cơ học lượng tử, đặc biệt từ nghịch lý EPR, ta phải tin rằng thứ bậc nội tại có nhiều chiều (multidimensional). Thứ bậc dàn trải ba chiều của chúng ta chỉ là một hình chiếu (projection) của thứ bậc nội tại. Trước vấn đề của mối liên hệ “liên thông” (đặc tính thứ ba) nói ở trên, Bohm dùng thứ bậc nội tại nhiều chiều để giải thích và dùng ẩn dụ “hồ cá” sau đây để minh họa. Trong một hồ cá chỉ có một con cá duy nhất. Hồ cá được thu hình bằng hai máy quay phim từ hai hướng khác nhau. Hai máy quay phim đó được ghi hình lên hai màn ảnh khác nhau A và B. Như ta thấy, hình A và B không hề có mối liên hệ nhân quả hay tương tác gì với nhau cả, chúng chỉ là hai hình của một vật thể (con cá) duy nhất. Tương tự như thế, hai đơn vị vật chất có mối liên hệ liên thông chẳng qua chỉ là hình chiếu của một đơn vị duy nhất của một thực tại nhiều chiều hơn. Thật ra chúng chẳng tương tác với nhau gì cả, chỉ là hai dạng khác nhau của một thực thể. Sự tách biệt của chúng trong không gian chỉ là một ảo tưởng (illusion) của chúng ta khi đứng trước thứ bậc dàn trải, nơi đó thực thể nọ đã bị “dàn trải” làm hai đơn vị. Theo Bohm, số lượng kích chiều của thứ bậc nội tại là vô tận (infinite).
• Xuất phát từ quan niệm năng lượng là vô tận trong chân không lượng tử, Bohm quan niệm vũ trụ là một biển năng lượng đa chiều đang vận động trong dạng của thứ bậc nội tại. Vũ trụ vật chất mà ta đang thấy chỉ là một dạng hình của năng lượng bao la đó khi bị kích thích sinh ra. Dạng hình đó có tính chất ổn định tạm thời và chiếu hiện lên không gian ba chiều theo cách của thứ bậc dàn trải. Còn không gian trống rỗng mà ta đang thấy là được chứa đầy bởi một thứ “tinh chất” (plenum). Tinh chất này không có chất liệu vật chất như quan niệm ê-te của thế kỷ thứ 19. Quan niệm về vũ trụ hiện nay là quan niệm “big bang”, cho rằng khởi thủy là một vụ nổ từ một điểm nhỏ trong không gian và thời gian cách đây hơn 10 tỉ năm. Trong quan niệm của Bohm thì vụ nổ đó chỉ là một gợn sóng nhỏ (just a little ripples) của biển năng lượng mênh mông kia. Hiện tượng “lỗ đen” cho phép ta dự cảm có nhiều vũ trụ khác tồn tại song hành, cũng trong dạng thứ bậc dàn trải như vũ trụ vật chất của chúng ta.
• Bohm cho rằng không có sự khác biệt giữa thế giới vô sinh và sự sống. Cả hai đều lấy thứ bậc nội tại làm gốc, lấy nơi đó những “thông tin” (information) cho sự vận hành của quá trình của bản thân mình. Cũng như hạt giống của một cây con là nơi chứa đựng và phát xuất thông tin để “lèo lái” các thành phần xung quanh (đất, nước, ánh sáng mặt trời) cấu tạo nên cây thì các đơn vị vật chất cũng tiếp nhận “thông tin” từ thứ bậc nội tại để xuất hiện từng chập nhanh chóng, do đó mà ta thấy chúng dường như tồn tại liên tục. Vì vậy, đối với Bohm, sự sống (life) được chứa ẩn tàng trong thứ bậc nội tại. Trong một số dạng của hiện tượng thì sự sống không xuất hiện rõ nét, trong một số khác thì rõ ràng hơn.
• Cuối cùng, Bohm đi một bước dài và cho rằng ý thức con người cũng lưu xuất từ thứ bậc nội tại đó. Vật chất và ý thức có tác dụng hỗ tương lẫn nhau, ý thức sinh ra những dấu vết trên vật chất và ngược lại. Do đó, hai mặt này bắt nguồn từ một thứ bậc chung, có kích chiều cao hơn. Cả hai vật chất lẫn ý thức đều là dạng xuất hiện của thực tại nhiều kích chiều đó. Bohm đề nghị một đơn vị cơ bản vận động trong thứ bậc nội tại đó, ông gọi là “chập” (moment). Một chập chứa tất cả những chập khác, một chập có thể rất nhỏ hoặc rất lớn, có khả năng “bung” ra trên thứ bậc dàn trải để thành không gian và thời gian. Mỗi chập trong sự vận động sẽ hiện ra trong thứ bậc dàn trải, lại trải nghiệm nó, trở nên phong phú rồi tác động ngược lại vào trong để sinh ra một lực mà Bohm gọi là “lực thiết yếu” (force of necessity) để sinh ra chập sau.
Ý thức và thân vật chất đều là phản ánh của thực tại đó, chúng không có mối liên hệ nhân quả với nhau và xảy ra đồng thời. Khi nói ý thức là ý thức cá thể nhưng nó nằm chung trong một biển mênh mông của một thực tại duy nhất. Mỗi ý thức cá thể đều chứa toàn bộ thực tại đó. Dạng vật chất của mọi hiện tượng là phản ánh của sự vận động toàn thể, nên nếu chỉ xét dạng vật chất thôi ta cũng có thể đến gần với sự thực nhưng sẽ không đầy đủ. Do đó, những quan niệm khoa học đứng trên cơ sở của thứ bậc dàn trải là không sai nhưng không trọn vẹn. Thí dụ, khi xét lịch sử của sinh vật, ta có thể sử dụng thuyết chuyển hóa (evolution) nhưng thuyết này sẽ có tính cách rất cơ giới. Nếu lấy sự vận động toàn thể làm cơ sở, ta sẽ xem đây là một loạt những dạng của sự sống đã triển khai một cách đầy sáng tạo.
Tác giả Nguyễn Tường Bách
“thứ bậc dàn trải” (explicate order).
Sự thay đổi thứ bậc này trong cách cảm nhận vũ trụ là khó khăn hơn cả sự chuyển đổi tư duy từ vật lý cơ giới qua thuyết tương đối hay qua cơ học lượng tử. Thứ bậc nội tại đòi ta biết cách nhìn “một trong tất cả, tất cả trong một”, một điều rất xa lạ với con người bình thường. Hãy nêu lên vài ẩn dụ để tới với cách nhìn này:
- Xem hệ phát sóng truyền thanh truyền hình. Nội dung phong phú của chương trình đã được chứa “ẩn tàng”trong mỗi đơn vị của sóng, lan tỏa trong không gian với vận tốc ánh sáng. Khi gặp máy thu hình thì thứ bậc ẩn tàng đó đã được “bung” ra để thành hình ảnh hay lời nói.
- Hoặc khi ngắm nhìn vũ trụ, ta thấy vô số vật thể trong không gian vô tận, chúng đại biểu cho sự vận động trong thời gian vô tận. Vô số những quá trình đó được chứa ẩn tàng trong sự vận động của ánh sáng thông qua một khoảng không gian tí hon của con mắt. Và sau đó nó “bung” ra trong óc ta để ta thấy vũ trụ.
- Trong cơ thể sinh vật, mỗi một tế bào nhỏ nhất cũng chứa DNA, thông tin của toàn bộ cơ thể đó. DNA cũng là một hình ảnh dễ hiểu của quan niệm “một trong tất cả, tất cả trong một”.
- Thí dụ giản đơn và có tính cơ giới nhất là một thanh nam châm với hai cực nam bắc. Nếu ta cắt thanh nam châm đó làm hai thì lập tức chỗ cắt sẽ sinh ra hai cực nam bắc. Nếu tiếp tục cắt thì ta sẽ có tiếp những thanh nam châm nhỏ hơn nữa. Do đó ta có thể nói mỗi điểm trong thanh nam châm đã chứa “ẩn tàng” hai cực nam bắc. Có cắt thì hai cực đó mới hiện ra, không cắt thì chúng nằm trong dạng “nội tại”.
Những ẩn dụ trên có thể có ích để hình dung về một thứ bậc nội tại nhưng chúng có hiểm nguy là làm ta lầm tưởng thực tại như là “sóng truyền hình” hay một không gian với các đơn vị vật chất riêng lẻ và tuân thủ theo những qui luật nhất định. Ngược lại, theo Bohm, thực tại là một thể thống nhất đang vận động, không thể phân chia, không thể định nghĩa, không thể đo lường mà một số dạng xuất hiện của nó hiện ra với ta như hạt, như sóng hay như những đơn vị tách lìa nhau và có tính chất ổn định tương đối. Những đơn vị vật chất, thí dụ electron, chỉ là một cái tên tạm đặt cho một khía cạnh xuất hiện của thực tại đó. Vật chất chỉ là một số dạng được“dẫn xuất” (abstracted) từ thực tại đó. Các quy luật vật lý đều là những lý thuyết áp dụng cho một số hiện tượng xuất phát từ sự vận động toàn thể đó. Và toàn thể vận động chính là sự tiếp nối liên tục giữa hai giai đoạn ẩn-hiện (enfold-unfold) của sự vận động toàn thể, mà vũ trụ của chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ của nó. Theo Bohm, phương pháp thông thường đến nay của vật lý là xem sự vật vốn tách biệt và được nối với nhau bằng những lực tương tác. Nhiệm vụ của khoa học là xét các sự vật riêng biệt và sau đó thấy cái toàn thể là tổng số các sự vật. Ngược lại, trong quan niệm thứ bậc nội tại, người ta phải bắt đầu với cái toàn thể bất khả phân và nhiệm vụ của khoa học là suy ra các phần đơn lẻ của nó bằng cách trích dẫn, xem chúng chỉ là những phần tử tạm thời ổn định và độc lập. Những phần tử xuất hiện có tính tạm thời đó được mô tả bằng “thứ bậc dàn trải”. Trên cơ sở này, Bohm nêu lên những nhận định như sau:
• Trong quá trình ẩn-hiện nhanh chóng của sự vận động toàn thể đó, có những dạng xuất hiện mà giác quan ta thấy là hạt. Chúng nối tiếp nhau xuất hiện trong thứ bậc dàn trải, khi thì ta thấy chúng nằm trên đường thẳng, khi thì hình cong trong không gian và tưởng có những lực tương tác chúng với nhau. Thực tế chúng là dạng xuất hiện kế tiếp nhau của một “tập hợp” (ensembles) không mang tính chất không gian. Ngược lại, vì chúng “hiện” ra liên tiếp, cái này sau cái kia mà ta thấy có không gian. Quan niệm này giải thích dễ dàng sự phi liên tục trong sự vận động được nêu ra bởi cơ học lượng tử. Ngoài ra, vì hạt chỉ là dạng xuất hiện của sự vận động toàn thể, nên khi những điều kiện thay đổi thì dạng xuất hiện cũng thay đổi, lúc đó nó có dạng sóng. Nghịch lý của sóng-hạt không còn tồn tại trong quan niệm về thực tại này nữa. Vật chất chỉ là một số khía cạnh thứ cấp của cái toàn thể đang vận động (subtotality of movement).
• Xuất phát từ cơ học lượng tử, đặc biệt từ nghịch lý EPR, ta phải tin rằng thứ bậc nội tại có nhiều chiều (multidimensional). Thứ bậc dàn trải ba chiều của chúng ta chỉ là một hình chiếu (projection) của thứ bậc nội tại. Trước vấn đề của mối liên hệ “liên thông” (đặc tính thứ ba) nói ở trên, Bohm dùng thứ bậc nội tại nhiều chiều để giải thích và dùng ẩn dụ “hồ cá” sau đây để minh họa. Trong một hồ cá chỉ có một con cá duy nhất. Hồ cá được thu hình bằng hai máy quay phim từ hai hướng khác nhau. Hai máy quay phim đó được ghi hình lên hai màn ảnh khác nhau A và B. Như ta thấy, hình A và B không hề có mối liên hệ nhân quả hay tương tác gì với nhau cả, chúng chỉ là hai hình của một vật thể (con cá) duy nhất. Tương tự như thế, hai đơn vị vật chất có mối liên hệ liên thông chẳng qua chỉ là hình chiếu của một đơn vị duy nhất của một thực tại nhiều chiều hơn. Thật ra chúng chẳng tương tác với nhau gì cả, chỉ là hai dạng khác nhau của một thực thể. Sự tách biệt của chúng trong không gian chỉ là một ảo tưởng (illusion) của chúng ta khi đứng trước thứ bậc dàn trải, nơi đó thực thể nọ đã bị “dàn trải” làm hai đơn vị. Theo Bohm, số lượng kích chiều của thứ bậc nội tại là vô tận (infinite).
• Xuất phát từ quan niệm năng lượng là vô tận trong chân không lượng tử, Bohm quan niệm vũ trụ là một biển năng lượng đa chiều đang vận động trong dạng của thứ bậc nội tại. Vũ trụ vật chất mà ta đang thấy chỉ là một dạng hình của năng lượng bao la đó khi bị kích thích sinh ra. Dạng hình đó có tính chất ổn định tạm thời và chiếu hiện lên không gian ba chiều theo cách của thứ bậc dàn trải. Còn không gian trống rỗng mà ta đang thấy là được chứa đầy bởi một thứ “tinh chất” (plenum). Tinh chất này không có chất liệu vật chất như quan niệm ê-te của thế kỷ thứ 19. Quan niệm về vũ trụ hiện nay là quan niệm “big bang”, cho rằng khởi thủy là một vụ nổ từ một điểm nhỏ trong không gian và thời gian cách đây hơn 10 tỉ năm. Trong quan niệm của Bohm thì vụ nổ đó chỉ là một gợn sóng nhỏ (just a little ripples) của biển năng lượng mênh mông kia. Hiện tượng “lỗ đen” cho phép ta dự cảm có nhiều vũ trụ khác tồn tại song hành, cũng trong dạng thứ bậc dàn trải như vũ trụ vật chất của chúng ta.
• Bohm cho rằng không có sự khác biệt giữa thế giới vô sinh và sự sống. Cả hai đều lấy thứ bậc nội tại làm gốc, lấy nơi đó những “thông tin” (information) cho sự vận hành của quá trình của bản thân mình. Cũng như hạt giống của một cây con là nơi chứa đựng và phát xuất thông tin để “lèo lái” các thành phần xung quanh (đất, nước, ánh sáng mặt trời) cấu tạo nên cây thì các đơn vị vật chất cũng tiếp nhận “thông tin” từ thứ bậc nội tại để xuất hiện từng chập nhanh chóng, do đó mà ta thấy chúng dường như tồn tại liên tục. Vì vậy, đối với Bohm, sự sống (life) được chứa ẩn tàng trong thứ bậc nội tại. Trong một số dạng của hiện tượng thì sự sống không xuất hiện rõ nét, trong một số khác thì rõ ràng hơn.
• Cuối cùng, Bohm đi một bước dài và cho rằng ý thức con người cũng lưu xuất từ thứ bậc nội tại đó. Vật chất và ý thức có tác dụng hỗ tương lẫn nhau, ý thức sinh ra những dấu vết trên vật chất và ngược lại. Do đó, hai mặt này bắt nguồn từ một thứ bậc chung, có kích chiều cao hơn. Cả hai vật chất lẫn ý thức đều là dạng xuất hiện của thực tại nhiều kích chiều đó. Bohm đề nghị một đơn vị cơ bản vận động trong thứ bậc nội tại đó, ông gọi là “chập” (moment). Một chập chứa tất cả những chập khác, một chập có thể rất nhỏ hoặc rất lớn, có khả năng “bung” ra trên thứ bậc dàn trải để thành không gian và thời gian. Mỗi chập trong sự vận động sẽ hiện ra trong thứ bậc dàn trải, lại trải nghiệm nó, trở nên phong phú rồi tác động ngược lại vào trong để sinh ra một lực mà Bohm gọi là “lực thiết yếu” (force of necessity) để sinh ra chập sau.
Ý thức và thân vật chất đều là phản ánh của thực tại đó, chúng không có mối liên hệ nhân quả với nhau và xảy ra đồng thời. Khi nói ý thức là ý thức cá thể nhưng nó nằm chung trong một biển mênh mông của một thực tại duy nhất. Mỗi ý thức cá thể đều chứa toàn bộ thực tại đó. Dạng vật chất của mọi hiện tượng là phản ánh của sự vận động toàn thể, nên nếu chỉ xét dạng vật chất thôi ta cũng có thể đến gần với sự thực nhưng sẽ không đầy đủ. Do đó, những quan niệm khoa học đứng trên cơ sở của thứ bậc dàn trải là không sai nhưng không trọn vẹn. Thí dụ, khi xét lịch sử của sinh vật, ta có thể sử dụng thuyết chuyển hóa (evolution) nhưng thuyết này sẽ có tính cách rất cơ giới. Nếu lấy sự vận động toàn thể làm cơ sở, ta sẽ xem đây là một loạt những dạng của sự sống đã triển khai một cách đầy sáng tạo.
Tác giả Nguyễn Tường Bách
Davis Bohm và Krisnamurti |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét