Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Tìm hiểu khái niệm về Thiên Cung (Vimāna)


I. Thiên Cung theo từ điển Pāli-Anh của Rys David


Vimāna (danh từ trung tính), nghĩa Pāli là cung điện hoặc cỗ xe do ngựa hoặc súc vật kéo giống như trong Mahabharata và các Sử thi khác tiếng Sanskrit. Nghĩa đen bao hàm một không gian nào đó, sự đo lường. Định nghĩa của chú giải sư Dhammapala ám chỉ đến sự không thể đo lường được. Vimana cũng có nghĩa là cung điện vua chúa, vĩ đại và đáng kính ngưỡng. Chú giải Chuyện Thiên Cung trang 160, Vimāna được dùng với nghĩa là cung điện thần bí, một loại thiên đường (paradise, elysium),
Vimana = Cung điện

Tổng quát


a) Vimana là khái niệm lạ thường, xuất hiện rất muộn trong các phần lạ thường về sau của kinh tạng, dựa trên mê tin của quần chúng (các chuyện Thiên Cung, Ngạ Quỷ, Thánh Nhân ký sự, Tiền Thân Đức Phật và các chuyện thần tiên tương tự). Nó cho thấy dấu vết rõ ràng từ ảnh hưởng của các nền văn minh Hellenic, Babylonian và chúng cũng dựa vào các chuyện kể của các thương lái đường biển. Ngoài ra vimāna còn biểu hiện cho cỗ xe kéo mà kinh Veda gọi là Ratha tức cổ xe của chư thiên vận hành bằng ý chí.
Cỗ xe của cõi trời

b) Vimāna ở chỗ xa xôi của thế giới (trong kinh gọi là các đảo của những người được hưởng phước báu) tương tự như thiên đàng trong Homer’s Odyssey. G Chapman dịch :”vùng đất bất tử ở tận cùng thế giới, cực lạc sống theo luật của thần Rhaamanthuc. Nơi mà con người sống suốt đời thảnh thơi, nơi mùa đông không chút khó chịu, không có tuyết và mưa rào, chỉ có làn gió ấm thoảng đầy tràn hương thơm.”

c) Trong các tôn giáo phổ thông, văn học “nói về thế giới bên kia” luôn có tác động mạnh mẽ. Điều đó khiến Chuyện Thiên Cung, Ngạ Quỷ, Tiền Thân Đức Phật trở thành các ví dụ cho thuyết quả báo và là các ví dụ thần bí sinh động khiến một trí óc bình thường sẽ cảm thấy hấp dẫn hơn bất cứ cuốn kinh nào. Từ quan điểm này, ta phải sử dụng phán đoán mỗi khi đọc.

Sự mô tả các Vimāna thể hiện bằng các từ ngữ phức tạp. Những cung điện (vương quốc nhỏ) được làm bằng vàng, pha lê hay ngọc báu. Các cột có đỉnh bằng đá quí, mái lợp sáng chói có chóp bằng 700 hoặc 1800 đỉnh nhọn hoặc không đếm xuể. Xung quanh các tòa nhà cao là các khu vườn đẹp đẽ, lối đi lấp lánh với bụi vàng, đầy những cây “cho điều ước” thỏa mãn mọi ham muốn. Có nhiều loại cây trong vương quốc chĩu nặng hoa trái, đong đưa nhẹ nhàng trong gió. Hồ sen có nước mát để tắm. Tiếng hót của chim chóc hòa với tiếng chập chỏa và tiếng sáo của các thần âm nhạc. Các trinh nữ thiên thần biểu diễn múa, ánh sáng từ cơ thể tiên nữ phát sáng tràn đầy không gian. An bình và hạnh phúc khắp nơi, vui thú của cung điện như thế không thể diễn đạt bằng lời. Thiên đàng này kéo dài nhiều kiếp và dễ hình dung nhất.

Cư dân của các thiên cung luôn là những người hạnh phúc, gọi là chư thiên, tức những người đạt đến trạng thái cao đẹp nhờ phước báu. Trong Chuyện Thiên Cung 172, có những chư thiên trước đây là a tu la được gọi là pubbadevata, tức những linh hồn đi qua trạng thái ngạ quỷ trước khi thành chư thiên. Chuyện nửa trừng phạt, nửa hưởng thụ, được nhấn mạnh dựa trên tính cách của từng nghiệp riêng. Những chư thiên “hỗn hợp”, tức nửa được hưởng phước nửa bị ác báo, được biểu hiện qua những từ như “thiên cung ngạ quỷ” (vimānapeta). Chư thiên xuất hiện với vẻ ngoài như những người đẹp đẻ, mặc áo bằng vàng hay bạc. Mức rực sáng của chư thiên được ví như ánh trăng hay ngôi sao buổi sáng.

Nguồn gốc của Thiên Cung: Một thiên Cung xuất hiện trong thế giới khác ngay khoảnh khắc một người làm việc thiện (hoặc qua suốt cuộc đời của một người) và chờ đợi chủ nhân của nó bước vào. Khi mô tả thiên cung của Long Vương, thiên cung được cho là không có nguyên nhân do thời tiết hay tự thân, cũng không phải nó tự xuất hiện hay do các chư thiên ban tặng. Một người có được thiên cung là do tâm trong sạch và do việc làm phước báu. Lúc bước vào thiên đàng của thiên cung tương tự như lúc từ trạng thái hấp hối chuyển qua trạng thái hoan lạc thần tiên, và có thể sánh với việc thức tỉnh sau giấc ngủ hay sau một cơn ngất.

Nơi chốn của các thiên cung: Thiên cung chính là trạng thái thiên đàng của từng cá nhân. Bởi vậy, thiên cung không thể được xác định ở một nơi chốn xác định. Chúng có thể ở bất cứ nơi đâu (trong thế giới này hay ngoài thế giới này). Nhưng có một vài nơi mà thiên cung thường được thiết lập nhiều hơn các chỗ khác. Thiên cung được thấy nhiều ở nơi gần nước, như đại dương và các hồ lớn, nơi không có đường đi, tận cùng thế giới, nơi hoang dã. Và thiên cung rất thường được xây dựng giữa không trung. Thiên cung có thể di chuyển tức khắc bằng ý chí, đến bất cứ nơi nào, tùy theo năng lực đặc biệt của chủ nhân của nó. Khả năng dị chuyển này được phối hợp với năng lực chuyển động cực nhanh (có thể so với tốc độ của tâm – mano java). Một chiếc kiệu vàng lơ lửng giữa không trung được ghi trong chú giải Chuyện Thiên Cung. Nhưng cung điện của Dạ Xoa Alavaka thì ở trên mặt đất và được gia cố vững chắc. Loại thiên cung bay có thể được mô tả như là chiếc nghế, con voi, chiếc tàu, cái giường, cái võng. Thiên cung có thể ở một thế giới khác như khu vườn của Indra hay cái cây trong vườn của Indra, hay trong thế giới của các chư thiên nhạc sĩ. Sau nữa, cùng với giáo lý về phước báu, các linh hồn được sanh lên cảnh giới chư thiên đặc biệt tốt đẹp, thiên cung và nơi trú của họ là tầng trời Ba Mươi Ba Tāvatiŋsa hay ở trời Đâu Suất Tusita. Thiên cung Đâu suất có thể dùng thay cho thành phố Đâu Xuất Tusita pura

Kích thước của thiên cung có thể nhỏ hoặc là cực lớn, nhưng nói chung có cấu trúc hài hòa về mọi hướng, hoặc theo một hằng số tỉ lệ nhất định. Con số tần suất lớn nhất là 12, 16, 30, 700 liên hệ với yojana (đơn vị đo chiều dài theo Vệ Đà). Con số 12 và 16 được sử dụng trong chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chu vi, trong khi con số 700 luôn chỉ áp dụng cho chiều cao và số các tháp nhỏ (turrets)

Thiên Cung của mặt trời và mặt trăng: Một ý tưởng kỳ dị (của thời sau) là ở mặt trời và mặt trăng cũng có những thiên cung. Chỉ có vài hàng trong các sách hậu kinh điển đề cập đến điều này. Ý tưởng các thiên thể là những thiên cung (các cỗ xe vĩ đại, hình bán cầu mở, thực ra là của Đạo Jain)

Các danh từ khác cùng nghĩa với Vimāna và các hình thái đặc biệt khác: Có nhiều cách diễn đạt khác để chỉ chung cho Vimāna, như Ratha, Nagara, Pura, Pāsāda, Dibba, Vara. Thiên Cung (Vimāna) được phân loại thành “thiên cung của chư thiên” hoặc tuyệt hảo hơn nữa là “thiên cung của Phạm Thiên”, đó là nơi chốn thần bí nhất, thiên đường cao siêu nhất. Còn gọi là cung điện của Phạm Thiên, trú xứ của Phạm thiên, hay vắn tắt chỉ gọi là Phạm thiên (Brahmā). Cao hơn tất cả, gọi theo triết gia La Mã là thiên đàng của sự thiện tột cùng (summum bonum). [1]

Ngoài các kinh Chuyện Tiền Thân Đức Phật, Chuyện Thiên Cung thuộc Tiểu Bộ, Sử liệu xá Lợi Răng Phật (Datha-vansa) viết bằng tiếng Pali vào khoảng năm 1200,. Trong bốn bộ kinh Nikaya còn lại chỉ có thấy chữ Vimāna trong kinh Tăng Chi và kinh Trường Bộ. [2]

II. Thiên Cung (Vimāna) theo tập kinh Vimānavatthupāli)


Vimānavatthupāli

Là một tập kinh của Tiểu Bộ, được dịch là Chuyện Thiên Cung

Gồm có bảy phẩm (vagga) được sắp xếp thành hai phần theo giới tính: Itthivimānaṃ – Thiên Cung Nữ Giới gồm 4 phẩm đầu và Purisa-vimānaṃ – Thiên Cung Nam Giới gồm 3 phẩm còn lại. Các phẩm được liệt kê chi tiết như sau:

1. Pīṭhavaggo – Phẩm Chiếc Ghế có 17 câu chuyện (vatthu),

2. Cittalatāvaggo – Phẩm Cittalatā có 11 câu chuyện,

3. Pāricchattakavaggo – Phẩm Pāricchattaka có 10 câu chuyện,

4. Mañjeṭṭhakavaggo – Phẩm Mañjeṭṭhaka có 12 câu chuyện,

5. Mahārathavaggo – Phẩm Cỗ Xe Lớn có 14 câu chuyện,

6. Pāyāsivaggo – Phẩm Pāyāsi có 10 câu chuyện,

7. Sunikkhittavaggo – Phẩm Khéo Đặt Xuống có 11 câu chuyện.

Tổng cộng có 85 câu chuyện liên quan đến 123 Thiên cung. Sở dĩ như thế bởi vì một số câu chuyện đề cập nhiều hơn một Thiên cung, cụ thể là: Guttilavimānaṃ – Thiên Cung của Guttila (3. 5) đề cập đến 36 Thiên cung và Caturitthivimānaṃ- Thiên Cung của Bốn Phụ Nữ (4. 7) đề cập đến 4 Thiên cung. Số lượng các kệ ngôn ở văn bản Pali-Sinhala được ghi nhận là 1291, trong khi đó Chú Giải xác định là 1500 kệ ngôn (VvA., 4).

Qua văn bản Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung, khái niệm về từ vimāna đã được mô tả chi tiết. Vimāna không chỉ đơn độc một gian nhà hay một tòa lâu đài mà còn bao gồm nhiều công trình xây dựng về nhà cửa, vườn hoa, rừng cây, hồ nước, và còn có cả các loài thú nuôi như ngựa, voi cùng với các cầm thú thiên nhiên như thiên nga, ngỗng đỏ, v.v… Ngoài ra cũng có câu chuyện mô tả vimāna chỉ là một chiếc ghế hay một chiếc thuyền, hay một cỗ xe xinh đẹp có khả năng du hành trong không trung.

Về nội dung, Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung có chủ đề là nghiệp thiện và quả thành tựu của các nghiệp thiện ấy. Các nghiệp thiện được đề cập ở đây chủ yếu không ngoài Thập Thiện Nghiệp gồm có bố thí, trì giới, v.v… Nội dung của các câu chuyện được trình bày một cách sinh động thông qua hình thức vấn đáp. Nhân vật đưa ra các câu hỏi này đã được xác định ở Chánh Tạng, đa phần là của ngài Moggallāna, một số khác do đích thân đức Thế Tôn hỏi, một số khác do trưởng lão Vaṅgīsa và Thiên Chủ Sakka. Các câu trả lời là do chính các vị Thiên nhân cai quản các Thiên cung đã nói lên.

Đặc biệt, ở câu chuyện Thiên Cung của Người Nữ Bố Thí Bọt Nước Cơm, Chúa Trời Sakka đã không hỏi trực tiếp vị Thiên nhân mà đã hỏi trưởng lão Mahākassapa để tìm hiểu về cảnh giới tái sanh của người đàn bà nghèo khổ đã bố thí bọt nước cơm đến ngài (2. 3). Ở một số câu chuyện, còn có các kệ ngôn của các vị Trưởng Lão đã tham gia cuộc kết tập thêm vào để giải thích hoặc kết luận sự việc

Cũng cần nói thêm là ở những câu chuyện không ghi rõ tác giả của câu hỏi thì Chú Giải đã bổ sung điều này: Đức Phật (2. 5), trưởng lão Vaṅgīsa (1. 16, 4. 3), trưởng lão Nārada (3. 8), trưởng lão Anuruddha (4. 6), trưởng lão Mahākaccāna (5. 13). Ở phần kết thúc của mỗi câu chuyện, Chú Giải còn cho biết rằng sự việc đã được trình lên đức Phật, và Ngài đã dùng chính nội dung câu chuyện ấy làm đề tài để giáo huấn.[3]

Sự giao tiếp của loài người địa cầu và người từ các các cõi thiên


Tập kinh Vimanavatthupali cho thấy có sự giao tiếp cụ thể và trực tiếp của các cư dân đến từ các cõi trời khác với con người trên địa cầu với. Theo chuyện Thiên Cung, sự giao tiếp này được mô tả giữa Đức Phật các trưởng lão. Các thiên nhân trong Vimanavatthupali đến từ cõi trời Ba Mươi Ba (tam thập tam thiên - Tāvatiṃsa) mà vị vua cai quản là Sakka, còn có tên gọi là Vāsava [4]

Ngoài các trường hợp kể về các thiên cung cố định thấy giữa không trung, trên mặt nước hay trên mặt đất. Tập kinh còn cho thấy các thiên nhân, ở một số các cõi trời, di chuyển từ nơi này đến nơi kia trong vũ trụ, không phải bằng thần thông của tự thân, mà bằng các “thiên cung bay”, vận hành bằng ý chí với tốc độ của tâm.

III. Vimāna trong văn học Sanskrit


Vimāna Sanskrit विमान là một từ với nhiều nghĩa khác biệt từ nghĩa “ngôi đền,cung điện” cho đến “các loại máy bay trong huyền thoại” được mô tả trong các bộ sử thi Ấn Độ bằng tiếng Sanskrit.

Vi-mānacó nghĩa đen là “đo lường, đi ngang qua” hay “được đo lường

Cung điện của một vị vua hay một đế chế tối thượng

Nơi thờ phượng trong đền thờ Rama hay các đền khác.

Một ngôi đền, thánh địa có hình dạng đặc biệt

Những gì có nghĩa là cung điện của thần thánh

Những gì có nghĩa là Pushpaka hay Dandumonara, máy bay (cung điện bay) của vua Ravana của Lanka

Những gì thuộc về cỗ xe của các vị thần, những loại xe tự vận hành bay trong không trung (đôi khi là một ngai cố định để ngồi, đôi khi có thể tự vận hành mang theo người ngồi bay lên không trung, đôi khi Vimana được mô tả giống như một căn nhà hay cung điện và có một loại được cho là cao bảy tầng)

Những gì thuộc về bánh xe hay phương tiện vận chuyển ( như xe để đẩy – bier)

Trong Y học, Vimana ám chỉ ngành khoa học về đo đạc đúng hay tỉ lệ đúng về thể dịch của cơ thể, của thuốc và liệu pháp v.v…

Trong ngôn ngữ Ấn Độ hiện đại, vimānahayvimāncó nghĩa là máy bay. Ví dụ, địa danh Vimanapura, ngoại ô của Bangalore, gần sân bay và có nghĩa là “thành phố máy bay”[5]

Vimāna theo các Sử thi Ấn Độ


Một đoạn trong trường thi Ramayana [6.121.9-11]đã được dịch sang tiếng Anh [6]. Vua Vibhishana của xứ Lanka nói với Rama:

- Ôi ngài Rama với quyền năng vô đối! Cỗ xe di chuyển trên trời, chiếu sáng như mặt trời, di chuyển như ý muốn, thật tuyệt vời, có tên gọi là Pushpaka của Kubera [7], người huynh đệ của ta, từng bị Ravana mạnh mẽ chiếm đoạt sau trận chiến khuất phục Kubera. Chúc ngài sự thịnh vượng! Nó vẫn ở sẵn đây để tùy ngài sử dụng. Cổ xe di chuyển trên trời này, nhìn giống một đám mây, đậu sẵn nơi đây và nó sẽ đưa ngài đến Ayodha chẳng khó khăn gì.”

Ghi nhận trong đoạn kinh Sanskrit này: “Cổ xe di chuyển trên trời, chiếu sáng như mặt trời, di chuyển như ý muốn” cũng có mô tả giống hệt như các “thiên cung bay” trong chuyện Thiên Cung của văn học Pāli.

Mô tả về Thiên Cung Pushpak (Pushpak Vimāna)

Pushpak ban đầu nhằm thiết kế cho Kubera (thần của giàu có) nhưng sau đó bị người anh khác mẹ Ravanan cướp đoạt cùng với thành phổ đảo của xứ Lanka. Có rất nhiều đoạn văn trong sử thi Ramayana nói về chất lượng tuyệt hảo của phương tiện bay này. Cùng thử xem ba đoạn trích sau đây để thấy Pushpak được mô tả chẳng khác một phi thuyền không gian lớn:

1) Cỗ xe đó được trang hoàng bằng vàng, càng xe cột với các con la có mặt quái dị, phủ bởi các nút bằng đá quý có thể điều khiển theo ước muốn của người điều khiển. Ngồi trong cỗ xe như thế này, cái mà tất cả đều bằng vàng, khi du hành với một âm thanh của sấm sét để chúc mừng cùng Ravana người anh em của Kubera, cùng với chúa tể của quỷ, du hành hướng về chúa tể của các sông, các suối, đại dương [8].

(Chú ý cách mô tả khi Pushka khởi động để du hành thì kèm theo âm thanh sấm sét như để chào mừng! Mô tả này rất giống như âm thanh của phi thuyền của con người khi khởi động!)

2) Khi nghe vua khỉ Sugreeva cùng với bầy khỉ vui sướng trèo lên xe bay Pushka tuyệt vời đó. Vibhishan cùng với đoàn tùy tùng đã cùng bước lên xe [9]

3) Khi tất cả họ đều đã bước lên, chiếc xe bay tuyệt hảo đó của Kubera, đã bay vào bầu trời sau khi được lệnh truyền thích hợp của Rama.[10]

Pushpaka, được gọi là Dandu Monara trong tiếng Sinhala: (දඩුමොණරය), có nghĩa là con công bay hay con công gỗ, một vật thể bay chế tạo bởi vua Ravana. Ấn Độ giáo tin rằng vua Rabana đã dùng Pushpaka để bắt cóc hoàng hậu Sita của Rama. Theo sử thi Ramayana, Pushpaka hạ cánh tại sân bay Werangatota, khoảng 10 km cách Mahivangana. vùng đồi núi Nuwara Eliya thuộc miền trung Sri Lanka [11]

Hình ảnh của Pushpak theo Pahari miniature painting


Hình ảnh của Pushpak theo Pahari miniature painting [12]

Có đến hàng trăm “thiên cung bay” được ghi chép trong Rig Veda và các sử thi Ấn Độ. Hầu hết những tài liệu này chưa được dịch sang tiếng Anh từ văn bản tiếng Phạn cổ. Ngoài ra còn có rất nhiều tranh ảnh tôn giáo tại Ấn Độ mô tả về các loại “thiên cung bay” (xem trang tài liệu hình ảnh 02 [13])
Hình vẽ về Thiên Cung bay trong sách cổ của Ấn Độ


Một tương hợp lạ lùng là ngay trong tranh ảnh của các tôn giáo Abrahamic, như tranh tại các nhà thờ Thiên Chúa Giáo, cũng có mô tả các vật thể trên bầu trời giống như “thiên cung bay” và giống như UFO thời nay!
The Madona with saint Giovannino


Bên trên là một phần bức tranh “The Madonna with Saint Giovannino” vẽ bởi Domenico Ghirlandaio vào thế kỷ 15. Tranh diễn tả hình Đức mẹ Maria đang nhìn xuống, trong khi ở hậu cảnh là các hình ảnh giống như các vật thể bay không xác định (UFO) của ngày nay! và bên góc phải còn có một người, đang lấy tay che nắng, để quan sát các vật thể bay trên bầu trời!

Vaimānika Shāstra

Khoảng đầu thế kỷ 20,xuất hiện một bản “kinh” tên là Vaimānika Shāstra [14], được cho là của một tu sĩ Ấn Độ tên là Pandit Subbaraya Shastry, mô tả về sơ đồ và cách thiết kế Vimana. Văn bản này được G.R. Josyer khám phá vào năm 1952. Được dịch sang tiếng Hindi 1959 và tiếng Anh vào 1973. Tuy nhiên, viện nghiên cứu cơ khi và hàng không của Ấn Đô cho là các thiết kế bay trong tài liệu này được mô tả quá sơ sài và không phù hợp với sự hiểu biết về khoa học hàng không và không gian hiện đại
Vaimanika Shastra Shakuna illustration


IV. Giải thích về Thiên Cung bay


Khảo sát các ý nghĩa khác nhau của từ Vimāna (Thiên Cung), ta thấy từ này được dùng trong kinh điển với ý nghĩa chính là một nơi trú ngụ, nơi cư trú để sinh sống, an hưởng. Nơi cư trú có thẻ rất nhỏ như cái ghế, ngọn cây, con voi, chiếc thuyền, cỗ xe v.v… hoặc như một bảo tháp, cung điện lớn, hoặc lớn hơn nữa như một thiên thể, mặt trời, mặt trăng và trái đất!

Thiên Cung khi được mô tả như ngôi đền hay cung điện, một chỗ trú ngụ “cố định”, thì khái niệm này rất dễ được đa số người hiểu và chấp nhận. Nhưng khi Thiên Cung được kinh điển diễn tả như là các vật thể “bay”, được vận hành bằng ý chí, với tốc độ tâm, điều này đã làm một số người nghi hoặc. Lý do là trong kinh Phật, ta thấy Đức Phật và các A La Hán để tử đi đến các cõi thiên bằng thần thông, mà không cần dùng đến một vật thể bay nào cả. Ví dụ trong Hạ thứ bảy:

“Đức Phật ngự lên cung trời Tam Thập Tam Thiên, để an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, thuyết giảng Abhidhammapiṭaka (Tạng Vi Diệu Pháp) gồm có 7 bộ lớn: Bộ Dhammasaṅgaṇī, bộ Vibhaṅga, bộ Dhatukathā, bộ Puggalapaññatti, bộ Kathāvatthu, bộ Yamaka và bộ Paṭṭhāna để tế độ Phật Mẫu (kiếp hiện tại là một thiên nam Santussita hóa sinh ở cõi trời Đẩu Suất Đà Thiên), chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, cùng vô số chư thiên, phạm thiên chứng đắc thành bậc Thánh thấp hoặc cao tùy theo ba-la-mật của họ.” [15]

Hoặc trong kinh Trường Bộ, Đức Phật nói đến các vị Tỳ khưu, có biến hóa thần thông, có thể di chuyển qua mọi chướng ngại, bay trên hư không, đi đến được các cõi Phạm Thiên

“4. Này Kevaddha, thế nào là biến hóa thần thông? Này Kevaddha, ở đời có Tỷ-kheo chứng được các thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết- già đi trên hư không như con chim; với hai bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng; những vật có đại oai thần lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Có người tín thành thấy Tỷ-kheo ấy chứng hiện các thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân: hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng; những vật có đại oai thần lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.” [16]

Như vậy, việc chư thiên không tự thân di chuyển mà phải di chuyển bằng các loại “Thiên Cung Bay” như mô tả trong Chuyện Thiên Cung của văn học Pāli hoặc trong văn học Sanskrit quả là rất lạ và rất khó hiểu!

Thử giải thích:

- Do khái niệm “chư thiên” đôi khi bị hiểu lầm là các vị ở cõi cao hơn cõi người, tất cả đều có năng lực thần thông. Thực ra, trừ các vị Phạm Thiên cõi Sắc, chư thiên cõi Dục có năng lực giới hạn! Vì thế chư thiên cõi dục có thể không đủ thần thông để đi xa mà phải cần đến các phương tiện bay như Chuyện Thiên Cung đã đề cập đến. Thứ hai, theo kinh điển, loài người ở Nam Thiên Bộ Châu (trái đất) và cũng có những người ở các châu khác như Bắc Cu lô Châu, Đông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hóa Châu. Nếu những người ở châu khác muốn đến trái đất, ắt cũng phải sử dụng một loại phương tiện bay nào đó! Vì theo kinh điển, họ cũng chỉ là loài người. Vậy “thiên cung bay” (flying vimāna) có thể được hiểu như là một phương tiện di chuyển của loài người ở châu khác, hoặc của chư thiên cõi dục

- Với cách hiểu như vậy, khi đọc các mô tả về thiên cung bay từ các văn bản Pāli hay Sanskrit, người đọc phải hình dung đó là một cỗ máy, một máy bay hay một tàu không gian, được tạo ra từ một nền văn minh rất cao, ở những thế giới khác với trái đất này! Cách hiểu này thực ra đôi khi không dễ dàng đối với một số người ! Nhưng phải biết, sự tồn tại các cõi giới khác nhau đã được Đạo Phật cũng như các tôn giáo Ấn Độ đề cập đến từ rất lâu trong quá khứ.

VI. Sự khác biệt về vũ trụ quan


Hiện nay, còn rất nhiều người tin rằng trong vũ trụ với vô số thiên hà và các hành tinh này chỉ có loài người là loài duy nhất tồn tại và loài người là sinh vật thông minh nhất trong vũ trụ to lớn này. Điều này ngược với quan điểm về các cõi giới (planes of existence) trong vũ trụ của văn minh Vệ Đà nói chung và vũ trụ quan Đạo Phật nói riêng [17]. Kinh điển Đạo Phật mô tả vũ trụ có ba cõi giới (tam giới).

- Cõi Dục là cõi xuất hiện dưới dạng vật chất, gồm các loài địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, con người và sáu loại chư thiên cõi dục (lục dục thiên).

- Cõi Sắc, cũng còn là cõi vật chất, là nơi các Phạm Thiên cư trú.

- Cõi Vô Sắc, hoàn toàn không cấu tạo bởi vật chất, là nơi các chư thiên cao siêu hơn cư trú.

Tại sao có rất nhiều người còn nghi ngờ hoặc không tin rằng có các loài sinh vật nào khác trong vũ trụ này? Có lẽ điều này do con người bình thường không thể tri giác được các thế giới của Chư Thiên (Deva) và Ngạ Quỷ (Peta).

Giới hạn của giác quan

Con người chỉ tri giác được trong năm giác quan của mình và đây chính là một giới hạn

Người có năng lực thiền định, có siêu giác quan có thể tri giác về các thế giới khác. Ví dụ trong kinh Trường Bộ DN 3, kinh A Ma Trú (Ambattha)

“Đoạn 21: Lúc bấy giờ, thần Dạ xoa Vajirapàni đang cầm một chùy sắt to lớn, cháy đỏ, sáng chói đứng trên đầu của thanh niên Ambattha với ý định: “Nếu Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba, một câu hỏi hợp lý mà thanh niên Ambattha không trả lời, thời ta sẽ đánh bể đầu nó ra làm bảy mảnh”. Chỉ có Thế Tôn và thanh niên Ambattha mới thấy thần Dạ xoa Vajirapàni. Thanh niên Ambattha thấy vị thần ấy liền sợ hãi, hoảng hốt, lông dựng ngược, chỉ tìm sự che chở nơi Thế Tôn, chỉ tìm sự hỗ trợ nơi Thế Tôn, liền cúi rạp mình xuống và bạch Thế Tôn…”

Như vậy trong cùng một không gian, Đức Phật và thanh niên Amattha ở một thế giới này và Dạ Xoa Vajirapāni ở một thế giới khác! Chỉ có Đức Phật và Ambattha mới có thể thấy Dạ Xoa.

Ngoài ra, đối với đối tượng được nhìn, thì tùy theo đối tượng ấy có thể hoặc có muốn xuất hiện trước người nhìn hay không hay không? Nói cách khác đối tượng từ thế giới khác có khả năng hay có muốn hiển lộ trong thực tại của thế giới loài người hay không?

Trong chuyện Thiên CungMaṭṭakuṇḍalī, một đoàn thương buôn đói khát, đi lạc giữa sa mạc, bỗng gặp một thiên cung. Lời đối thoại với chủ nhân thiên cung như sau:

“…Xin ngài hãy nói tên (của ngài) là gì, có phải ngài là Dạ-xoa?”

“Tôi chính là Dạ-xoa tên Serissaka, sống ở sa mạc, là người canh giữ đầm cát. Tôi hộ trì khu vực này, là người thực thi mệnh lệnh của đức Vua Vessavaṇa.”

Trong trường hợp này Dạ Xoa cố ý xuất hiện trong thế giới loài người.

Thế giới đa chiều

Các thế giới đa chiều (multiverse worlds) hay các thế giới song song (parallel worlds): có nghĩa là trong một không gian xác định của địa cầu này cùng một lúc tồn tại nhiều thế giới khác, mà con người không biết, không thấy, không cảm nhận được.

Có đoạn kinh nói rằng một gia đình bị hỏa hoạn chết, sau đó tái sinh trong các cõi giới khác nhau. Có người tái sinh thành người, có người tái sanh thành ngạ quỷ, có người tái sanh thành chư thiên, nhưng vì nghiệp duyên, tất cả lại cư trú tại cùng một chỗ. Đây có thể là ví dụ về thế giới song song!

Khái niệm về vũ trụ song song đã được đề cập tới bới William Jame vào năm 1859. Sau đó được xây dựng thành một học thuyết vật lý “many worlds interpretation” (MWI) bởi Hugh Everett một nhà vật lý người Mỹ (1930-1982). Khái niệm về chiều (dimensions) của các thực tại (realities) đang được khoa học phổ biến. Thế giới mà con người bình thường có thể cảm nhận được là không gian ba chiều (3D – three dimensions). Hiện tại đã có giả thuyết về thực tại 4D, 5D, thậm chí đến thực tại 21 D!

Multiverse level

VI. Giả thuyết về mối liên hệ giữa các Thiên Cung bay và các vật thể bay không xác định (UFO)


Thiên Cung (Vimāna) có phải là Vật thể bay không xác định (UFO)?


Con người trên trái đất đã nhìn thấy các vật thể bay trong không trung, với đường bay và quỹ đạo lạ thường, không giống với hoạt động của các loại máy bay do loài người chế tạo. Nhờ phương tiện truyền thông phổ biến, các máy chụp hình, máy quay phim đã ghi lại vô số các vật thể bay không xác định. Những người làm việc có nhiệm vụ quan sát bầu trời như nhân viên kiểm soát không lưu, các phi công, các phi hành gia vũ trụ, các sĩ quan không quân, hải quân v.v…đã sưu tập rất nhiều hình ảnh, tài liệu về các vật thể bay không xác định (UFO: undefied flying object).

UFO in Mexico Jan 26th 2013


Trong thế kỷ 20 trước đây, các vật thể bay không xác định (UFO) không được các chính phủ trên thế giới xác nhận, ngược lại còn bị bác bỏ và cấm phổ biến (vì một lý do nào đó, mà ta hi vọng sẽ biết trong một ngày rất gần). Sang thế kỷ 21 này, một số các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nghiên cứu UFO và người ngoài hành tinh (Aliens) đang tập trung nổ lực hình thành các phong trào [18] để buộc dư luận thế giới nói chung, và các chính phủ nói riêng, phải công bố các bằng chứng về sự thực có rất nhiều vật thể bay đã xuất hiện trên địa cầu, thậm chí có thể còn có các mối liên hệ bí mật giữa người ngoài hành tinh (Extraterrestrial Organism) với một số chính phủ!

Vậy có thê nào các vậy thể bay không xác định UFO chính là các thiên cung Vimāna được mô tả trong kinh điển và các sinh vật gọi là Aliens hay ET organisms chính là các loài người khác hoặc chư thiên cư trú gần với địa cầu?

VII. Người ngoài hành tinh (ET) có thể là ai?


Loài người từ các Châu khác


Theo Đạo Phật, loài người cư ngụ tại tất cả bốn châu. Người địa cầu chúng ta cư ngụ về phía Nam (của vũ trụ?) gọi là Nam Thiên Bộ Châu. Còn lại là Bắc Cu lô Châu, Đông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hóa Châu. Như vậy, còn có những chủng người khác phát triển các nền văn minh riêng của họ ở tại các “châu” khác. Nếu sự hiện hữu của bốn Châu là đúng, thì người của các “Châu” khác có thể đi đến địa cầu bằng những vật thể bay. Vì cũng là người “nhân loại”, cùng sống trong một thế giới có không gian 3D nên ta có thể nhìn thấy họ!

Các chư thiên cõi Dục


Các chư thiên A Tu La (Asura) hoặc các chư thiên thuộc bốn Đại Thiên Vương (Catamāharajika) hoặc các chư thiên cao hơn nữa của trời Đao Lợi (Tettimsā) tất cả cũng có khả năng xuất hiện tại thế giới địa cầu, nếu như họ muốn. Các ví dụ nằm trong Chuyện Thiên Cung như đã đề cập ở phần trên. Người có năng lực thiền định hoặc có siêu giác quan có thể nhìn thấy chư thiên. Đối với người bình thường (không có siêu giác quan), thì chỉ có thể thấy chư thiên khi chư thiên có ý muốn xuất hiện.

Theo kinh điển thì chư thiên cõi Dục là những người có phước báu, có đời sống hạnh phúc hơn, có tuổi thọ cao hơn, tuy nhiên cũng tùy theo loại chư thiên, mà có người tốt hay có người xấu. Trong cõi Dục Giới, giữa các chư thiên (do còn dục) nên cũng có xung đột lẫn nhau. Theo truyền thuyết A Tu La ở cõi thiên là loài hiếu chiến hơn cả. Trong các bộ sử-thi thì từng có rất nhiều các trận chiến đã xảy ra trên cõi trời!
Tranh vẽ trận chiến giữa các chư thiên trên không trung


Các Phạm Thiên


Phạm Thiên (Brāhma) có rất nhiều đẳng cấp ở các tầng trời khác nhau thuộc cõi Sắc Giới. Đây là cõi “rất xa” với với địa cầu. Kinh Nikaya có thuật lại nhiều lần Phạm Thiên đã xuất hiện tại thế gian để nói chuyện với Đức Phật. Như vậy cũng có khả năng các Phạm Thiên vẫn đến trái đất nếu có mục đích nào đó! Phạm Thiên là các vị có năng lực thiền định, nên phải suy luận rằng: Các Pham Thiên, nếu muốn ,sẽ di chuyển bằng thần thông dễ dàng chứ không cần đến các phương tiện bay như chư thiên các cõi thấp hơn! Theo kinh Phạm Võng, Trường Bộ DN 01, Nguồn gốc loài người là do Quang Âm Thiên (còn gọi Biến Quang Thiên - Ābhassara) từ cõi Nhị Thiền của Phạm Thiên đến di trú tại địa cầu, sau đó thoái hóa dần!
VIII. Vài suy nghĩ

Bài viết ngắn này nhằm mục đích nêu lên bằng chứng về tính hiện thực của khái niệm “Thiên Cung-Vimāna” trong kinh điển đạo Phật, dù rằng đã từ lâu có nhiều người còn nghi hoặc! Hai nữa là để thử giải thích lại khái niệm “Thiên Cung-Vimāna” (vốn có màu sắc thần bí) theo quan điểm và cách nhận thức của thời hiện đại.

Nếu các vật thể bay không xác định – UFO chính là các Thiên Cung Bay, thì chúng đã được loài người ở địa cầu ghi nhận từ rất lâu, trong các bộ Sử thi, trong Đạo Phật và trong kinh điển của các tôn giáo ở Ấn Độ. Trong thời đại khoa học tiến bộ ngày nay, với các phương tiện như vệ tinh, máy bay, máy chụp hình, quay phim. các UFO cũng đã được nhìn thấy với vô số người chứng và vật chứng. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, các chứng cứ không được các chính phủ xác nhận.

Không hiểu vì một thôi thúc gì, từ đầu năm 2013, trên thế giới đã xuất hiện phong trào đòi các chính phủ phải xác nhận về sự hiện diện của UFO và Aliens [18]. Hiện đã có khoảng hơn mười quốc gia (trong đó có Canada) đang cho phép công bố các chứng cớ về sự hiện diện của UFO và Aliens [19].

Nều sự kiện người ngoài hành tinh đã đến trái đất bằng các “phương tiện bay” được xác nhận, thì điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi vũ trụ quan của loài người. Con người sẽ nhận ra Địa cầu không phải là trung tâm của vũ trụ. Thế giới ta đang sống không phải là thế giới duy nhất có sự sống có ý thức. Đồng thời con người sẽ nhận ra đẳng cấp thực sự của mình trong sự tương quan với các con người trong các thế giới khác.. Một số các học thuyết khoa học (ví dụ thuyết tiến hóa) và một số triết lý tôn giáo sẽ phải có đổ vỡ và sẽ phải chuyển biến rất lớn từ tận cùng nền tảng. Tất cả nhận thức mới sẽ khiến tâm thức con người thay đổi. Điều này dẫn đến sự hình thành một nền văn minh mới hơn và cao hơn! Phải chăng đây chính là sự thay đổi cần thiết cho trái đất vào lúc này!

Sài Gòn 21-06-2013

BS PHẠM DOÃN


CHÚ THÍCH:

[1] Đoạn viết về ý nghĩa chữ Vimāna ở đây được lược dịch theo từ điển Pāli- English của Pāli Text Society

http://dsalsrv02.uchicago.edu/cgi-bin/philologic/getobject.pl?p.3:100.pali

[2] Ngoài Vimānavatthupāli thuộc Tiểu Bộ Kinh, trong bốn bộ Nikaya còn lại, chỉ thấy chữ Vimāna xuất hiện trong:

Tăng Chi Bộ Kinh, chương bốn pháp, phẩm bánh xe, kinh Sư Tử (bản dịch của Thích Minh Châu)
Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên tuổi thọ dài, có dung sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn.

Pāli: Yepi te, bhikkhave, devā dīghāyukā vaṇṇavanto sukhabahulā uccesu vimānesu ciraṭṭhitikā,

và Trường Bộ kinh DN1, kinh Phạm Võng, tụng phẩm 2, đoạn 3 và 4 (bản dịch của Thích Minh Châu)

3. Này các Tỷ-kheo, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, Phạm cung được hiện ra, nhưng trống không. Lúc bấy giờ, một hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung trống rỗng ấy. Vị ấy ở tại đấy, do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian khá dài.

4. Vị này, tại chỗ ấy, sau khi sống lâu một mình như vậy, khởi ý chán nản, không hoan hỷ và có kỳ vọng: “Mong sao có các loài hữu tình khác, cũng đến tại chỗ này!” Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, bị mệnh chung và từ thân Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung để làm bạn với vị hữu tình kia. Những loại hữu tình ở đấy cũng do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy, trong một thời gian khá dài.

Pāli: ‘‘Hoti kho so, bhikkhave, samayo, yaṃ kadāci karahaci dīghassa addhuno accayena ayaṃ loko vivaṭṭati. Vivaṭṭamāne loke suññaṃ brahmavimānaṃ pātubhavati. Atha kho aññataro satto āyukkhayā vā puññakkhayā vā ābhassarakāyā cavitvā suññaṃ brahmavimānaṃ upapajjati. So tattha hoti manomayo pītibhakkho sayaṃpabho antalikkhacaro subhaṭṭhāyī, ciraṃ dīghamaddhānaṃ tiṭṭhati. 41. ‘‘Tassa tattha ekakassa dīgharattaṃ nivusitattā anabhirati paritassanā upapajjati – ‘aho vata aññepi sattā itthattaṃ āgaccheyyu’nti. Atha aññepi sattā āyukkhayā vā puññakkhayā vā ābhassarakāyā cavitvā brahmavimānaṃ upapajjanti tassa sattassa sahabyataṃ [2]

[3] Chuyên Thiên Cung (bản dịch của Tỳ Khưu Indacanda http://www.paliviet.info/VHoc/30a/Vv_00.htm

[4] Thiên cung Sudhammā của Chúa Trời Sakka thuộc cõi trời Đạo Lợi

Sakka còn được gọi là Indra trong Ấn Độ giáo. Tuy nhiên có lý thuyết cho rằng Sakka và Indra là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa mô tả về Indra trong Ấn Giáo cũng khác với mô tả về Sakka trong Đạo Phật.

Wiki: The name Śakra “powerful” as an epithet of Indra is found in several verses of the Rigveda. In Buddhist texts, Śakra’s myth and character are very different from those of the Vedic Indra[dubiousdiscuss]. According to G.P. Malalasekara, “Sakka and Indra are independent conceptions. None of the personal characteristics of Sakka resemble those of Indra. Some epithets are identical but are evidently borrowed, though they are differently

http://en.wikipedia.org/wiki/%C5%9Aakra_%28Buddhism%29

Cư dân của cõi trời Đao Lợi tức cõi trời ba mươi ba (Tettimsā) có chiều cao 1500 feet và thọ mạng 1000 năm (mà mỗi ngày nơi đây bằng 100 năm địa cầu). Ở cõi Trời Ba Mươi Ba, một ngày đêm tương đương 100 năm ở cõi người, một tháng có 30 ngày, một năm có 12 tháng. Như vậy, “một ngàn năm thuộc cõi Trời” này bằng 3 koṭi và 60 trăm ngàn năm ở cõi người; tổng cộng là 36 triệu năm.

[5] Vimana ( http://en.wikipedia.org/wiki/Vimana)

[6] “O Rama of unequalled prowess! The aerial car shining like the sun, which moves as one pleases, wonderful and excellent, named Pushpaka of Kubera my brother was robbed by the mighty Ravana after conquering Kubera in battle. May prosperity attend you! It is retained there for your sake. The yonder aerial car, looking like a cloud, stands here and by which transport, you can reach Ayodhya without any trouble.”

Sử thi Ramayana (http://www.valmikiramayan.net/yuddha/sarga121/yuddha_121_prose.htm)

[7] Pushpaka Vimana

http://en.wikipedia.org/wiki/Pushpaka_Vimana#Ramayana

[8] Sanskrit:

कांचनम्रथम्आस्थायकामगम्रत्नभूषितम्|

पिशाचवदनैःयुक्तम्खरैःकनकभूषणैः || ३-३५-६
मेघप्रतिमनादेनसतेनधनदअनुजः |
राक्षसाधिपतिःश्रीमान्ययौनदनदीपतिम् || ३-३५-७

English: That chariot which is decorated with golden ornaments, yoked with monster-faced mules that have gem studded trappings is ride-able by the wish of the rider, and sitting in such a chariot which is wholly golden and which rides with a sound like the pealing of thunder, that celebrated Ravan, the brother of Kuber and the lord of demons, traveled towards the lord of rivers and rivulets, namely the ocean.

(the 121st chapter in Yuddha Kanda of Valmiki Ramayana, the First Epic poem of India.

http://www.valmikiramayan.net/yuddha/sarga121/yuddha_121_prose.htm)

[9] Sanskrit:
ततह्सपुष्पकंदिव्यंसुग्रीवःसहवानरैः || ६-१२२-२४
आरुरोहमुदायुक्तःसमात्यश्चविभीषणः|

Engkish: Thereupon, that Sugreeva along with the monkeys gladly ascended that wonderful Pushpaka, the aerial car. Vibhishan together with his counselors also ascended it.

(the 122nd chapter in Yuddha Kanda of Valmiki Ramayana
http://www.valmikiramayan.net/yuddha/sarga122/yuddha_122_prose.htm)

[10] Sanskrit:

तेष्वारूढेषुसर्वेषुकौबेरम्परमासनम् || ६-१२२-२५
राघवेणाभ्यनुज्ञातमुत्पपातविहायसम्|

English: When all of them ascended, that excellent aerial car, belonging to Kuber, flew into the sky, after having been duly authorized by Rama.

(the 122nd chapter in Yuddha Kanda of Valmiki Ramayana
http://www.valmikiramayan.net/yuddha/sarga122/yuddha_122_prose.htm

[11] Dandu Monara: http://en.wikipedia.org/wiki/Dandu_Monara

[12] Chú thích của ảnh:
Rama leaves Lanka in the Pushpaka Vimana
Ramayana – Pahari School, Himachal Pradesh, c. 1650 . Binney Collection

[13] Tài liệu hình ảnh về Thiên Cung Bay và UFO

(http://bsphamdoan.wordpress.com/mot-so-hinh-anh-tai-lieu/tai-lieu-02/)

[14] Vaimānika Shāstra: (http://en.wikipedia.org/wiki/Vaim%C4%81nika_Sh%C4%81stra)

[15] Nền Tảng Phật Giáo – Quyển 1Tỳ khưu hộ pháp

http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/TamBao/TamBao3.htm

[16] Trường Bộ, DN 11, kinh Kiên Cố (Kevattha sutta)

[17] Người và Cõi (Puggala Bheda bhūmi)

http://bsphamdoan.wordpress.com/2013/06/18/nguoi-va-coi-puggala-bheda-bhumi/

[18] Bộ phim tài liệu Sirius nói về nổ lực của Bs Steven Greer, nhằm công bố các tài liệu, nhân chứng, vật chứng, về UFO và Alien

Toàn bộ phim SIRIUS 8 phần – Có phụ đề Việt ngữ
(Download rất nhanh – down phần nào, xem được phần đó)
http://www.mediafire.com/?a7rhdm67284c6

[19] Cựu bộ trưởng quốc phòng Canada (thập niên 60) Paul Hellyer(http://en.wikipedia.org/wiki/Paul_Hellyer) vừa công bố xác nhận
- sự hiện diện của người ngoài hành tinh (ET).
- Tiết lộ rằng có 2 gười ET đã cộng tác với chính phủ Mỹ

Video mới nhất về cuộc họp với chủ tọa của dân biểu quốc hội Merryl Hand Cook:
http://www.youtube.com/watch?v=BQEqhx5L-48&feature=em-subs_digest&list=TLKx2SvVQyFjA
Muốn xem phụ đề tiếng Anh:Click vào ô cc , ở thanh ngang bên dưới cửa sổ Youtube,
Chọn automatic Engglish caption.
Phụ đề Tiếng Anh này là “dịch âm thanh ra chữ”
nên nếu người nói phát âm sai, thì bản dịch bằng chữ sẽ không đúng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét